Thứ Sáu, 10/1/2025
Bộ Đội Biên phòng tỉnh Gia Lai vận động quần chúng xây dựng biên giới vững mạnh
 
Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Ia Mơr khám-chữa bệnh cho bà con. Ảnh: Đức Thanh 


Đa dạng hóa công tác tuyên truyền 

Tỉnh Gia Lai có trên 90 km đường biên giới giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), trải dài trên 7 xã của 3 huyện: Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông. Dân số của 7 xã biên giới gần 43 ngàn người. Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được giữ ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp khi các thế lực thù địch có dấu hiệu gia tăng hoạt động chống phá, móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên.

Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của quân đội trong tình hình mới”, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/ĐU về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của BĐBP tỉnh trong tình hình mới”.

Để nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền, an ninh biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng đứng chân trên khu vực biên giới tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới như: âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch; công tác phòng, chống FULRO, “Tin lành Đê-ga”; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; các văn bản pháp lý về biên giới, lãnh thổ với các nước láng giềng… Theo đó, trong năm 2017, BĐBP toàn tỉnh đã tuyên truyền được 26.460 lượt người. Cùng với đó, các đơn vị tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh xã được 84 lần với 69 bản tin.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua các hoạt động giao lưu, qua lại thăm thân của nhân dân 2 bên biên giới trong dịp lễ, Tết, BĐBP tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới; đấu tranh ngăn chặn làm thất bại các hoạt động xuyên tạc, phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia.

Cũng trong năm 2017, BĐBP tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho 1.426 lượt người dân Campuchia; duy trì thực hiện tốt nội dung kết nghĩa giữa 4 cặp thôn, làng 2 bên biên giới; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân nhân các dịp lễ, Tết của ta và bạn. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh cũng thường xuyên trao đổi tình hình, lồng ghép vào các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân Campuchia để tuyên truyền các văn bản pháp luật về biên giới. Theo đó, trong năm qua, nhân dịp Tết truyền thống Campuchia, các xã biên giới tổ chức sang thăm, chúc Tết và tặng bạn 17 suất quà; hỗ trợ 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng; khám, chữa bệnh cho 1.803 lượt người dân Campuchia. Điều này đã góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa chính quyền và nhân dân 2 bên biên giới.

Giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế - xã hội

Đến làng Mok Trang (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) vào một buổi sáng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh của Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang cùng với bà con dọn vệ sinh môi trường quanh các đường làng, ngõ xóm. Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng thôn Mok Trang, hồ hởi: “Cả thôn có 141 hộ dân, đa phần là người Jrai. Lâu nay, việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được bà con quan tâm lắm. Những năm qua, nhờ sự tuyên truyền, giúp đỡ của BĐBP mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã nâng lên rõ rệt. Bây giờ, cứ hàng tháng người dân lại cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh trong làng. Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của BĐBP, các hộ dân trong làng đã tự đào giếng lấy nước sinh hoạt, xây dựng nhà vệ sinh và không thả rông gia súc nên đường làng, ngõ xóm cũng sạch đẹp hơn”.

Không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho bà con, thời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh còn giúp người dân trên địa bàn xã Ia Dom phát triển kinh tế bằng các mô hình như: trồng tiêu, mì, lúa nước; hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo; xây mới và sửa chữa nhà ở cho người dân; duy trì bếp ăn tình thương và trao học bổng cho học sinh nghèo… Những hoạt động này góp phần đưa Ia Dom trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cho biết: “Xác định giúp nhân dân ổn định, vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ chính trị được đơn vị đặt lên hàng đầu. Để làm được điều đó, Ban Chỉ huy đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, khảo sát tình hình sản xuất; tìm hiểu các loại cây, con giống ở địa phương, đồng thời thường xuyên trao đổi, tìm ra nguyên nhân của từng hộ nghèo để từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống”.

Nhận thức sâu sắc việc xây dựng địa bàn biên giới phát triển về kinh tế - xã hội có ý nghĩa chiến lược quan trọng, cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nên trong thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng thực hiện nhiều việc làm cụ thể giúp thay đổi bộ mặt nông thôn ở vùng biên giới. Theo đó, trong năm 2017, lực lượng BĐBP đã giúp nhân dân trên khu vực biên giới được 995 ngày công; giúp 3 hộ dân thoát nghèo; tham gia xây dựng 5 căn nhà cho các gia đình chính sách. Bên cạnh đó, nhân dịp năm học mới 2017-2018, các Đồn Biên phòng đã tặng đồ dùng học tập cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá 56 triệu đồng.

Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, BĐBP tỉnh tiếp tục duy trì đỡ đầu lâu dài 48 cháu trên khu vực biên giới, trong đó có 4 cháu ở Campuchia với số tiền hỗ trợ trong năm là 312 triệu đồng. Tiếp tục duy trì bếp ăn tình thương cho 16 cháu học sinh nghèo xã Ia Dom. Quân y các đơn vị khám-chữa bệnh cho nhân dân được 2.720 lượt người. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà 10 điểm, nhóm tôn giáo trong dịp Noel; chúc Tết, tặng quà các xã biên giới và già làng, trưởng thôn, gia đình chính sách với tổng trị giá 211 triệu đồng.

Ngoài ra, các Đồn Biên phòng duy trì thực hiện có hiệu quả các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội như: Mô hình “trình diễn lúa nước” tại các xã Ia Púch (huyện Chư Prông), Ia Dom, Ia Nan (huyện Đức Cơ)… góp phần nâng cao đời sống của người dân, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân-dân trên biên giới. Cùng với đó, thực hiện Kế hoạch số 1344/KH-UBND, ngày 7/4/2017 của UBND tỉnh về việc phân công các đơn vị quân đội đảm nhận địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động sự đóng góp vật chất, tinh thần của toàn lực lượng, chỉ đạo, đôn đốc 2 Đồn Biên phòng Ia Mơr, Ia Lốp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành 3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Ia Mơr giai đoạn 2017-2020 (tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm; tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật).

Nguồn: baogialai.com.vn, ngày 01/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất