Thứ Sáu, 3/5/2024
Cần những giải pháp đồng bộ bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: ANH TUẤN

Đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực

Tại buổi thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La), Tống Thanh Bình (Lai Châu), Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế) và nhiều đại biểu khác đánh giá cao quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành của QH, của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống. Năm 2017, đất nước phát triển trong bối cảnh có khó khăn, thách thức, trước tình hình thế giới với những diễn biến khó lường, bất ổn về địa chính trị và diễn biến bất thường về thời tiết, biến đổi khí hậu gây bão lũ ở các tỉnh miền bắc, miền trung gây thiệt hại nặng nề...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ và các địa phương, nền kinh tế nước ta đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, được nhân dân và cử tri đồng tình, bước đầu thu được nhiều kết quả quan trọng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Cụ thể, có thể thấy kết quả nổi bật về duy trì kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP. Theo báo cáo của Chính phủ, có tất cả 13 chỉ tiêu của năm 2017 ước đạt và vượt.

Vấn đề được nhiều đại biểu QH và cử tri quan tâm là chất lượng tăng trưởng. Thời gian qua, Chính phủ đã có sự lựa chọn để chủ động điều hành và kiên định trong lúc phải đối mặt với sự sụt giảm của các lĩnh vực trụ cột như khai khoáng và dầu mỏ, dầu thô (sụt giảm mạnh so với năm 2016)... Chính phủ đã lựa chọn và chỉ đạo tăng trưởng dựa trên sự bứt phá của sản xuất công nghiệp chế tạo, chế biến, linh kiện điện tử; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; tăng trưởng từ dịch vụ, du lịch và nông, lâm, thủy sản có bước đột phá. Hơn nữa, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu, tạo đà cho bước phát triển trong giai đoạn tới. Phát biểu ý kiến tại hội trường và bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu QH đồng tình cao với nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn của Chính phủ về sáu nhóm tồn tại, hạn chế cần được phân tích và nhận thức sâu sắc để có giải pháp khắc phục.

Lo lắng về nguồn lực và chất lượng tăng trưởng

Để đánh giá sâu sắc về những hạn chế và tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm khắc phục những hạn chế được nêu cụ thể trong báo cáo của Chính phủ, tại hội trường và trả lời báo chí bên lề kỳ họp, các đại biểu: Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số đại biểu khác đã thẳng thắn nêu cụ thể hơn một số hạn chế. Đó là Chính phủ chưa tập trung xử lý đồng bộ các dự án thua lỗ, chưa giao bộ, ngành, địa phương rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ, nhằm có các giải pháp xử lý quyết liệt, gắn việc cổ phần hóa với cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) và một số đại biểu cho rằng, kỳ họp này sẽ thông qua báo cáo khả thi của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chủ trương đầu tư cao tốc Bắc Nam nhưng không bố trí vốn cho kế hoạch năm 2018, chờ quyết định của QH sẽ phân bổ sau cho nên không có nguồn tiền để triển khai các dự án này trong năm tới. Theo đại biểu, hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, trong 3 năm qua, Trung ương chỉ bố trí được 36% tổng mức đầu tư tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm, cho nên khó đạt được mục tiêu.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương hạn hẹp, năm 2015 - 2016 đều hụt thu, khó bố trí cho các công trình dự án quan trọng. Với tình hình thực tế việc hỗ trợ đầu tư cho địa phương dàn trải, vượt quy định của Luật Ngân sách nhà nước (theo quy định là không quá 30% nhưng dự toán năm 2018 bố trí tới 46,29%), sẽ khó bảo đảm việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, chưa kể nhiều chính sách phát triển tại các khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc khó bố trí được vốn. Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc các vấn đề này để có giải pháp khắc phục nếu muốn đạt các mục tiêu phát triển.

Nhiều đại biểu cho ý kiến chung quanh vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác quy hoạch, điều hành, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm về môi trường; hiệu quả phòng, chống thiên tai; ứng phó biến đổi khí hậu; công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều ý kiến đề xuất các chính sách và giải pháp phát triển vùng miền núi khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; việc thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khu vực có điều kiện KT - XH khó khăn. Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) đề nghị Chính phủ xác định rõ định hướng phát triển để có chính sách phù hợp, không để các tỉnh miền núi vì sức ép tăng trưởng, vì những nhiệm vụ ngắn hạn mà ảnh hưởng đến tính bền vững, lâu dài trong phát triển KT - XH và yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia.

Đề cập vấn đề ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với vùng DTTS, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) phản ánh, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách đặc thù được ban hành đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực để thực hiện lại rất hạn chế, cá biệt có những chính sách từ khi có hiệu lực thi hành đến nay chưa được bố trí hoặc được bố trí rất ít nguồn lực để thực hiện.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc phân bổ các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm, lại có nhiều vướng mắc trong thực hiện giải ngân nhưng thiếu chủ động, chậm tham mưu xử lý, gây ách tắc cho địa phương, cơ sở, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Chính phủ, các bộ đã trả lời chất vấn trước QH, Ủy ban Thường vụ QH, nhưng chậm điều chỉnh các chính sách, chậm vào cuộc để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh. Trong lúc phát triển sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi liên kết vẫn lúng túng, dư thừa, giá cả bấp bênh, thị trường đầu ra không ổn định, phần thiệt thòi vẫn là người sản xuất, người nông dân...

Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn bất cập, nhiều cơ chế chính sách chậm và khó đi vào cuộc sống. Những bất cập trong quản lý thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được khắc phục đã làm mất niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đó là những vấn đề thể hiện sự yếu kém, chồng chéo của các cơ quan quản lý nhà nước. Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số bộ, ngành, cơ quan của Trung ương vẫn chưa sâu sát, tháo gỡ cho các địa phương, chậm xử lý những vấn đề bức xúc từ cơ sở.

Nhiều đại biểu cho rằng: Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với lao động trẻ đang có xu hướng tăng không thể chỉ đổ lỗi cho tiến bộ khoa học - công nghệ, mà phải nhìn vào nguyên nhân cốt lõi là đào tạo, định hướng việc làm còn kém. Việc mất cân đối về lao động tay nghề cao, công nhân lành nghề là hệ quả của sự thiếu đồng bộ trong đào tạo, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở lao động bậc đại học và cao đẳng tăng, gây “lệch pha” về trình độ, chất lượng lao động giữa các khu vực, vùng miền. Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng nhanh chóng đưa ra biện pháp khuyến khích, nâng cao hiệu quả đầu tư - nhất là đầu tư công; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tập trung vào khu vực nông thôn. Từ đó kéo giãn tình trạng tập trung lao động cũng như tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; tránh luân chuyển quá nhiều lao động đến khu vực thành thị. Đồng thời, có giải pháp triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp, ưu tiên đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề từ đối tượng lao động nông thôn.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế) và một số đại biểu cho rằng, dư địa để tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo sẽ không còn nhiều, nếu chúng ta không tiếp tục và tập trung cơ cấu lại nhằm khơi dậy nguồn lực trong dân và doanh nghiệp trong bối cảnh tiến bộ khoa học - công nghệ đang là cơ hội nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực chế tạo, chế biến. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có lộ trình cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không có khả năng cơ cấu lại nhằm hạn chế hậu quả lâu dài, nâng cao năng lực ở lĩnh vực này. Theo đại biểu, chất lượng tăng trưởng phải là mục tiêu xuyên suốt, trước mắt cũng như lâu dài, trong đó giải quyết việc làm cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, phải tính yếu tố lâu dài cho chất lượng tăng trưởng là năng suất lao động và nguồn nhân lực.

Nhiều đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần sớm rà soát tổng thể chương trình giải quyết việc làm gắn với giải pháp nâng cao năng suất lao động, bảo đảm sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện. “Tăng năng suất lao động đang là thách thức của nền kinh tế Việt Nam, cần thay đổi quan niệm về lợi thế của lao động giá rẻ khi chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”- đại biểu Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Ngày hôm qua, QH đã nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 01/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi