Thứ Tư, 27/11/2024
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV
 
Tại lễ khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TRỌNG ÐỨC (TTXVN) 


Sau đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp. Tại phiên trù bị, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. QH thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Ðúng 9 giờ, QH vào họp phiên khai mạc. Ðến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Ðại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các đại biểu QH những khóa trước, các vị đại biểu khách mời; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Trong những tháng vừa qua, việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư đã được diễn ra tích cực, các dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đúng chương trình. Cử tri, Nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp, với niềm tin tưởng sâu sắc và mong muốn Quốc hội sẽ làm tròn trách nhiệm trước Nhân dân, trước đất nước. Thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, trân trọng đề nghị các vị đại biểu QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước”. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Trước tình hình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hằng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hằng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất, nhập khẩu; cắt giảm điều kiện kinh doanh; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Thay mặt Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trước QH Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Theo đó, cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, hoạt động của Nhà nước; đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế. Cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi và ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương các cấp đã nghiêm túc xem xét, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời những kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba của QH khóa XIV.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc giá nông sản còn thấp, “đầu ra” chưa ổn định trong khi giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng; đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, bảo đảm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác và thúc đẩy phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tăng cường liên kết “4 nhà”.

Nhân dân vẫn lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện. Ðề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai chặt chẽ các quy định về quản lý, đấu thầu, nhập khẩu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm. Về việc một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền để “trục lợi” quỹ Bảo hiểm y tế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Nhân dân cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Cử tri rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương. Nhân dân khẳng định luôn đồng hành cùng Ðảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Ðảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã về hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho MTTQ Việt Nam và nhân dân biết để giám sát.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất với QH, Chính phủ và chính quyền các địa phương sáu kiến nghị. Thứ nhất, đề nghị QH, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ðảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí; quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thứ hai, đề nghị QH, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành... Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao... Thứ tư, đề nghị QH, Chính phủ khẩn trương, kiên quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp ở những tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng trên địa bàn quản lý. Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông… Thứ sáu, đề nghị QH, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; sớm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài…

Trong phiên khai mạc sáng qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được kiên trì thực thi đúng hướng và phù hợp diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, dần thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Trong chín tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tích cực triển khai các giải pháp tạo chuyển biến về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ các rào cản bất hợp lý, tăng tính đối thoại giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp đã tiếp tục tạo ra những tín hiệu tích cực; thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm; xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch đối với bộ máy thực thi công vụ.

Tuy nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần tiếp tục quan tâm giải quyết. Nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Tiến độ tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn trong những ngành Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đặt ra vấn đề về tiêu chí xác định lựa chọn cổ đông chiến lược và định giá giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhưng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể có xu hướng tăng cao. Việc lập, phê duyệt, phân giao vốn chưa được quán triệt đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc dẫn đến tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của các dự án, công trình. Việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam là tín hiệu tích cực nhưng nếu không được thẩm định, kiểm soát kỹ cũng kéo theo sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện môi trường vào nước ta, đồng thời đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các thành phần kinh tế khác về năng lực cạnh tranh... Các dự án BOT giao thông bên cạnh các đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nhưng dư luận xã hội cũng bày tỏ sự không hài lòng về một số khâu trong quá trình triển khai dự án như chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực, chất lượng một số công trình kém, mức giá dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOT chưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ.

Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các địa phương diễn ra hết sức phức tạp nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý... làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh trật tự xã hội. Tình trạng cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Tình trạng di cư, nhất là di cư tự do tại một số khu vực như ở Tây Nguyên vẫn có chiều hướng phức tạp làm thay đổi cơ cấu, phân bố dân cư, lao động và gây nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội về nhà ở, nước sạch, giáo dục, y tế, việc làm và trật tự an toàn xã hội do thiếu nguồn lực để giải quyết.

Chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở chưa cao, còn tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các quy định về đấu thầu thuốc, y tế dự phòng, bảo hiểm y tế bị lạm dụng, trục lợi ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Chất lượng và an toàn thực phẩm, hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn với sự xuất hiện của một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Một số vụ việc, vụ án dư luận xã hội quan tâm chậm được xử lý. An toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều bất cập, còn tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu, bôi nhọ, gây mất niềm tin trong nhân dân...

Ðối với những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Ủy ban Kinh tế đề nghị nhấn mạnh hơn một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần quyết tâm siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư; đẩy mạnh khoán chi hành chính, sử dụng xe công, đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công. Gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch của doanh nghiệp và người dân. Gắn trách nhiệm giám sát, giải trình và nâng cao tính minh bạch nhằm kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Triển khai kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, đánh giá độc lập đối với tất cả doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp để có phương án cơ cấu lại cụ thể cho từng doanh nghiệp... Ðẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nợ công và tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát việc bảo đảm tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Chú trọng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và lưu hành sản phẩm. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh…

Ðầu giờ làm việc buổi chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018; Kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018-2020. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện NSNN năm 2017; dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; ý kiến về Kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018-2020.

Theo đó, về thu NSNN năm 2017, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương ước khó đạt dự toán. Ðây là năm thứ ba liên tiếp, ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu, gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương khó được bảo đảm. Về chi NSNN năm 2017, công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt, còn nhiều tồn tại trong công tác chuẩn bị đầu tư. Chính phủ cần báo cáo rõ hơn lý do của việc chưa phê duyệt bốn Chương trình mục tiêu quốc gia và việc bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công rất thấp. Về bội chi NSNN tuy giảm so với thực tế, nhưng là do giảm phần bội chi của ngân sách địa phương, bội chi ngân sách Trung ương vẫn tăng so với dự toán. Chính phủ cần đánh giá cụ thể về tổng mức vay của NSNN năm 2017, đồng thời, tiến hành rà soát tình hình giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây để báo cáo QH xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này, bảo đảm giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán được QH quyết định.

Ðối với dự toán chi NSNN năm 2018 về cải cách tiền lương: Ða số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở hơn 7%. Ðể sớm triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở phải gắn với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công việc; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập. Một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm (từ nay đến năm 2020), có thể cho phép một số địa phương có điều tiết thu về ngân sách Trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển, vì qua giám sát cho thấy, nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương còn dư khá lớn, sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định và một số chính sách, chế độ chi do Trung ương ban hành nhưng không được sử dụng, gây lãng phí.

Về nợ công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, tuy nợ công dự kiến đến cuối năm 2018 vẫn trong giới hạn cho phép, song phản ánh một bức tranh về NSNN không nhiều khả quan, thiếu vững chắc, khả năng trả nợ gốc của ngân sách Trung ương còn hạn chế.

Ðể thực hiện tốt dự toán NSNN năm 2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu NSNN, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng tiền thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới mức 3% tổng thu NSNN. Tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII của Ðảng có kết quả, nhất là việc quản lý biên chế, quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, có lộ trình chuyển phí sang giá, tăng tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Ðẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; có lộ trình cụ thể đối với các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn… phù hợp pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát…

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là lần đầu xây dựng Kế hoạch tài chính - NSNN ba năm quốc gia 2018-2020, nhằm cung cấp tầm nhìn về nguồn lực cho các cấp chính quyền, nhưng gắn với dự toán hằng năm. Mặc dù mang tính chất tham khảo, nhưng một số địa phương lập còn sơ sài, chưa liên kết với kế hoạch tài chính 5 năm, chưa chú trọng các chỉ tiêu dài hạn, chưa có căn cứ vững chắc để xác định tốc độ tăng thu, tăng chi trong dài hạn; chưa xác định được các khoản “chi tiêu cơ sở” và các khoản “chi tiêu mới”, cũng như các nguồn thu trong dài hạn để có kế hoạch bố trí chi tiêu hợp lý.

Tiếp đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này, cho biết: việc sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chiều cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất