Thứ Sáu, 10/1/2025
Tăng cường các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu Chiến lược bình đẳng giới
 
 Đại biểu QH tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐỨC ANH


Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển

Thảo luận về thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và nhiều đại biểu đồng tình Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, những năm qua, công tác BĐG đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương; trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, với nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) và một số đại biểu băn khoăn về thực tế ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “con trai nối dõi tông đường” tồn tại lâu đời trong xã hội ta. Trong khi đó, việc sinh con trai nay lại trở nên dễ dàng hơn trong điều kiện khoa học, y tế phát triển thông qua can thiệp, lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi... Theo đó, nếu không có giải pháp hữu hiệu, thì theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, đến giữa thế kỷ này, nước ta sẽ dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững của đất nước; làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ. Các đại biểu đề nghị, thời gian tới cần đổi mới và tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về BĐG. Chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp từng vùng, miền nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đưa nội dung BĐG, không lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước của cộng đồng; cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu từng bước nhằm thực hiện những chuẩn mực xã hội, bảo đảm sự bình đẳng của con gái, con trai trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, vai trò của nam giới, nữ giới trong các hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội…

Để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, một số đại biểu cho rằng, cần phải có chiến lược đào tạo nâng cao trình độ cán bộ nữ lâu dài; trong quy hoạch cần tạo cơ hội đề bạt, cân nhắc, xem xét đối với cán bộ nữ, nhất là công tác đào tạo, quy hoạch không nên tính đến độ tuổi để tạo cho phụ nữ có cơ hội làm cán bộ chủ chốt. Trong đó, cần hết sức quan tâm độ tuổi nữ và trẻ em, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đề cập vấn đề bảo đảm BĐG trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) và một số đại biểu cho rằng, Luật BĐG đưa ra các nguyên tắc cơ bản về BĐG. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này đã đưa ra số liệu tỷ lệ chết ở người mẹ ở miền núi cao hơn gấp hai lần so với toàn quốc, tăng gấp ba lần so với tại các tỉnh đồng bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế khi mang thai, sinh con. Đồng thời đề nghị, Chính phủ cần bổ sung giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên để phụ nữ miền núi, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người giảm bớt khoảng cách, tạo điều kiện, cơ hội như nhau trong thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm nguyên tắc cơ bản về BĐG.

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham gia báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Bộ trưởng cho biết, lần đầu QH dành thời gian thảo luận và cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về chiến lược quốc gia về BĐG. Đây là sự quan tâm kịp thời, sâu sắc của Đảng, Nhà nước dành cho phụ nữ và cho công tác BĐG. Đồng thời nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác BĐG thời gian vừa qua đã thu được kết quả rất đáng khích lệ, được quốc tế thừa nhận và đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Trước những khó khăn, thách thức thực tế, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ và BĐG.

Phòng, chống tham nhũng ở cả hai khu vực công, tư

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật PCTN (sửa đổi). Tờ trình nêu rõ, tại dự thảo luật lần này, tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm của Luật PCTN là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN (sửa đổi) nêu rõ, Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung quan điểm, việc sửa đổi phải bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật qua tổng kết thi hành, đồng thời kế thừa các quy định phù hợp của Luật hiện hành mà thực tiễn thi hành không gặp khó khăn, vướng mắc và đang có tác động tích cực. Trên cơ sở đó, cần phân tích, đánh giá những hạn chế, yếu kém nào trong công tác PCTN là do bất cập trong các quy định của luật; những hạn chế, yếu kém nào là do khâu tổ chức thực hiện luật để từ đó có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tránh việc sửa đổi, bổ sung tràn lan, không cần thiết.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật PCTN (sửa đổi), về điều 41 của dự thảo luật liên quan vấn đề kê khai tài sản, các đại biểu: Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh); Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cùng một số đại biểu đồng ý chọn phương án mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, một số đại biểu QH bày tỏ lo ngại rằng, nếu chỉ dừng lại các quy định như điều 41 ở dự thảo luật hiện nay thì khó có thể xử lý được việc đối tượng tham nhũng và thu hồi tài sản. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cùng một số đại biểu nêu ý kiến, vừa qua, xảy ra tình trạng một số đối tượng đem tài sản tham nhũng cho bố mẹ, anh, chị, em ruột đứng tên nhằm tẩu tán tài sản, thậm chí có đối tượng chấp nhận ngồi tù cũng không giao nộp lại tài sản tham nhũng. Bởi vậy, dự thảo luật cần nghiên cứu sâu thêm để đưa ra được các quy định nhằm xử lý được tình trạng này và bảo đảm công tác thu hồi tài sản.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận đưa ý kiến đó là tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước. Cần thiết phải mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cùng một số đại biểu cho rằng, khu vực tư nhân còn là "sân sau", là "nhóm lợi ích" của các đối tượng thực hiện tham nhũng. Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ khu vực tư mới kiểm soát được khu vực công.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 10/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất