Thứ Sáu, 10/1/2025
Bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững
 
 Đại biểu QH tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.



Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau đó, QH thảo luận về nội dung nêu trên.

Nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật

Để nền kinh tế phát triển bền vững, nhiều đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá hiệu quả và tính ổn định lâu dài trong thực hiện chính sách, chi tiêu công, thực thi pháp luật và đặc biệt phải giải quyết được tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật. Các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và một số đại biểu cho rằng, thời gian qua QH đã ban hành nhiều luật, nhưng luật chậm đi vào cuộc sống. Thực tế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trước hết là do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt kết quả cao. Việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm, cấp trên chưa làm gương cho cấp dưới, cán bộ chưa làm gương cho người dân… Do vậy, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp quán triệt, chỉ đạo, để việc thực thi pháp luật ngày càng hoàn thiện.

Đề cập vấn đề kỷ luật, kỷ cương Nhà nước, một số đại biểu cho rằng, thực trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, tồn tại ở nhiều lĩnh vực và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Đây chính là nguyên nhân làm cho nền hành chính trì trệ, kém hiệu quả. Muốn có một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm.

Trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến, làm rõ thêm những việc liên quan đến vụ phân bón ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu ý kiến giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu QH nêu. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng tiếp thu, nghiên cứu để trả lời tại phiên chất vấn hoặc có văn bản trả lời đại biểu QH và cử tri. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện những ý kiến đại biểu QH và cử tri yêu cầu, để phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thành nhiệm vụ được T.Ư và QH giao.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 2,5 ngày QH thảo luận tại hội trường, đã có 94 đại biểu QH phát biểu, có 27 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu QH quan tâm. Nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Phần lớn ý kiến đại biểu QH đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung trong các Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH. Nhiều ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2018 như báo cáo của Chính phủ. Đồng thời đề nghị, phải tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; tiếp tục cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực NSNN gắn huy động tối đa các nguồn lực nước ngoài để thúc đẩy phát triển KT - XH.

Cân nhắc lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới

Chiều cùng ngày, QH nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình nêu trên.

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới, tuy nhiên cần làm rõ thêm một số nội dung của Nghị quyết. Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) lo ngại: Nghị quyết 88 đến nay đã thực hiện được ba năm, nhưng các nội dung, như biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất đáp ứng chương trình… vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Có đại biểu nêu ý kiến, trong Tờ trình của Chính phủ, ngoài thực hiện chương trình đổi mới giáo dục trong năm 2018, Chính phủ cần có thời gian để triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về tiếp tục đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian xin lùi thời điểm triển khai Nghị quyết, bởi về cơ bản, các nội dung của Nghị quyết 88 đều đang chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Một số đại biểu đề nghị, chương trình giáo dục phổ thông mới nên có nội dung giáo dục về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường, đuối nước. Bên cạnh đó, các bộ SGK mới cần bảo đảm chu kỳ 12 năm, đồng thời giá không được vượt quá giá hiện hành. Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến, Nghị quyết 88 có hai quy định gồm: UBND cấp tỉnh phải tổ chức biên soạn, bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương; các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là những quy định mang tính phụ thuộc cao vào các địa phương. Trường hợp địa phương không triển khai đầy đủ, kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ triển khai Nghị quyết.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 03/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất