Trung tuần tháng 1/2018, lễ bàn giao mốc giới quy hoạch Cảng Hàng không Ðiện Biên đã được tổ chức với đại diện các bên giao - nhận là Cảng vụ Hàng không Ðiện Biên, các sở, ngành liên quan cùng chính quyền TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Việc phân giới, cắm mốc chi tiết dự án không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng Cảng Hàng không mà còn chấm dứt những chờ đợi, thấp thỏm của người dân vùng dự án.
Là một trong những đại diện bên nhận bàn giao, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kiến trúc quy hoạch (Sở Xây dựng), cho biết: Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Ðiện Biên có tổng nhu cầu sử dụng đất là 201,39ha. Ðây là cảng hàng không nội địa có hoạt động bay quốc tế, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Trong đó, đất hiện hữu được cấp 39,15ha; đất xin thêm theo quy hoạch mới 169,12ha; đất dự kiến trả tỉnh 6,88ha; đất hàng không dân dụng quản lý 26,82ha; đất dùng chung 146,8ha và đất do quân sự quản lý 27,77ha. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, sân bay Ðiện Biên sẽ đạt cấp 3C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và sân bay quân sự cấp II; công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm. Sân bay sẽ có 3 vị trí đỗ tàu bay, khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh CAT I. Ngoài ra, Trung tâm Ðào tạo huấn luyện của Cảng Hàng không quy hoạch tại khu đất số 6C với diện tích khoảng 4.700m2 (vị trí nhà điều hành hiện hữu) sẽ được nghiên cứu xây dựng khi có nhu cầu; Văn phòng đại diện của các hãng hàng không xây dựng khi có nhu cầu tại vị trí khu đất có diện tích khoảng 7.900m2; đất dành cho các cơ quan quản lý Nhà nước (công an, hải quan, kiểm dịch y tế...) bố trí tại khu đất số 7 với tổng diện tích khoảng 8.450m2.
Quá trình đo đạc thực địa, phân chia mốc giới quy hoạch Dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên ban đầu gặp không ít khó khăn, do sự thiếu thống nhất giữa bản đồ quy hoạch và trên thực tế. Ðể giải quyết vấn đề, đại diện bên giao là Cảng vụ Hàng không Ðiện Biên cùng với đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, khảo sát thực địa với sự tham gia của các đơn vị chuyên môn tỉnh và chính quyền địa phương thuộc vùng dự án - phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) và xã Thanh Luông, Thanh Hưng, (huyện Ðiện Biên). Việc cắm tổng số 37 mốc, tổ chức bàn giao được thực hiện chính xác theo quy hoạch, với sự thống nhất của các bên; các địa phương được giao có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các mốc giới này. Ngoài ra, nhằm đón đầu công tác sắp xếp, ổn định dân cư, đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, Sở Xây dựng đã đề xuất với UBND tỉnh xây dựng lộ trình lồng ghép quy hoạch phân khu Tây Bắc với việc bố trí tái định cư. Hiện nay dù mới có huyện Ðiện Biên gửi báo cáo về rà soát số hộ thuộc diện tái định cư, tuy nhiên ngành chức năng cũng đã lên các phương án về khả năng dung nạp, vị trí tái định cư.
Xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) là địa bàn có nhiều hộ thuộc vùng ảnh hưởng của quy hoạch Cảng Hàng không Ðiện Biên. Chia sẻ với chúng tôi, ông Quàng Văn Pâng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ thời điểm chuẩn bị công bố quy hoạch Cảng Hàng không Ðiện Biên Phủ (cuối tháng 9/2017), người dân trên địa bàn xã, nhất là tại các thôn 2A, 2B rất quan tâm đến phạm vi ảnh hưởng của vùng dự án. Ðây là điều bình thường bởi việc quy hoạch này liên quan đến nhiều góc độ đời sống của người dân như: Ðất ở, đất sản xuất, giao thông... Tại nhiều cuộc họp có sự tham gia của đại diện nhân dân các khu vực này, đề tài “quy hoạch sân bay” luôn nóng với nhiều câu hỏi, thắc mắc từ bà con. Thú thật, lúc đó chúng tôi rất khó trả lời bởi theo tôi nắm được, chủ đầu tư dự án quy hoạch thuộc Cục Hàng không (Bộ Giao thông - Vận tải) nên toàn bộ nội dung tiến độ triển khai, kế hoạch chi tiết dự án... đều không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và chính quyền cơ sở. Vì vậy, sau khi quy hoạch được công bố, theo đề nghị của đại diện chủ đầu tư là Cảng vụ Hàng không Ðiện Biên, chúng tôi đã tham gia các cuộc họp bàn, thống nhất các nội dung liên quan đến vấn đề đất quy hoạch. Ðồng thời, với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, định hướng về những lợi ích lâu dài của việc nâng cấp, mở rộng sân bay Ðiện Biên. Thời gian trước đây, cơ bản người dân đồng thuận nhưng kiến nghị các cấp, ngành khẩn trương công bố mốc giới cụ thể để nắm rõ phần diện tích đất ở, đất sản xuất của gia đình và các bước tổ chức tái định cư khi nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch. Sau gần 4 tháng mong mỏi, chờ đợi, đến thời điểm này, khi đã nắm rõ mốc giới quy hoạch, người dân đã xác định tư tưởng, ủng hộ quá trình xây dựng mở rộng sân bay.
Phạm Dương