Thứ Bảy, 11/1/2025
Có Bộ “bỏ 1 tăng 10” điều kiện kinh doanh

Nghị quyết 19-2018/NQ-CP (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo) đã được ban hành với hạn định cụ thể trong thực hiện yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, với khoảng 5 tháng còn lại của năm 2018 có thể không đủ để một số bộ, ngành đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu là trình Chính phủ các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về điều kiện kinh doanh.

Hiện tại, ngoài Bộ Công thương đã hoàn tất nhiệm vụ này, trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2008/NĐ-CP cắt giảm và đơn giản được 675 điều kiện kinh doanh, chỉ còn Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định. Bốn bộ khác là Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp đã có Dự thảo Nghị định, nhưng chưa trình Chính phủ.

“Nếu các bộ tích cực, có thể các nghị định sửa đổi điều kiện kinh doanh trong các ngành này sẽ được ban hành đúng hạn, trước ngày 31/10/2018. Chúng tôi đã tính toán, nếu được như vậy, sẽ cắt giảm được 1.968 điều kiện kinh doanh”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định trên báo Đầu tư.

Nhưng phần lớn các bộ còn lại vẫn đang trong giai đoạn rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng Dự thảo Nghị định. Thậm chí, một số bộ, như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng chưa có phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

“Số điều kiện kinh doanh khả năng có thể cắt bỏ được trong lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành này là khoảng 700 điều kiện. Câu hỏi mà chúng tôi đang đặt ra là liệu có thể kịp thực hiện trong năm 2018 không. Tôi e rằng khó”, ông Cung nói tiếp.

Phân tích cụ thể hơn, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung lấy ví dụ từ Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng vừa được ban hành. Theo đó, 11 điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa so với quy định trước, nhưng lại có tới 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung.

Trước đó, Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP cũng đã cắt giảm được 25 điều kiện kinh doanh, cắt bỏ được 27 điều kiện.

“Vấn đề là, chúng ta không có phương án tổng thể về rà soát điều kiện kinh doanh, thực hiện theo cách trình dự thảo từng nghị định, nên mới có tình trạng bỏ 1 tăng 10 như trên. Vì trong các bộ, tùy theo phân công mà việc rà soát, sửa đổi các nghị định khác nhau được giao về các vụ, viện khác nhau. Nếu không có phương án tổng thể, việc chồng chéo là dễ hiểu”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Chưa kể một số dự thảo phương án rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh còn nhiều vấn đề. Rõ ràng, việc hoàn thành tiến độ cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như chất lượng các dự thảo nghị định phụ thuộc vào tư duy, quan điểm của các bộ, ngành, đặc biệt là lãnh đạo bộ, ngành.

Điều này cũng xảy ra tương tự trong các yêu cầu cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa trước khi thông quan. Số mặt hàng thuộc diện kiểm tra còn quá nhiều, số văn bản lên tới 414 loại, chồng chéo, trùng lắp.

Nhìn rộng hơn, TS Nguyễn Đình Cung cho biết trên thực tế, những việc đã làm được theo yêu cầu của Nghị quyết 19-2017 không hề nhỏ, nhưng vẫn chưa đủ. Nhiều bộ, ngành đã cắt giảm nhiều thủ tục, như Bộ Công thương, Bộ Y tế...

Tuy nhiên, ông Cung băn khoăn rằng du lịch có thể tạo đột phá như yêu cầu của Nghị quyết 19-2018 không nếu Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch không phải là người dẫn đầu cải cách trong lĩnh vực này? Tương tự, ông Cung đặt vấn đề yêu cầu cắt giảm chi phí logistics, việc thực hiện Chính phủ điện tử, kết nối một cửa quốc gia... khả thi tới đâu khi các Bộ đáng ra phải đi đầu lại chưa đi đầu, đóng vai trò dẫn dắt.

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, theo các đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh, hiện Việt Nam có 4 chỉ số chưa cải thiện suốt 4 năm qua, đơn cử như: Chỉ số khởi sự kinh doanh, giao dịch thương mại qua biên giới, chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp. 

"Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ, những thứ mà chúng ta đang làm hiện nay hoàn toàn không phù hợp với thời đại Cách mạng 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số. Chúng ta nói nhiều tới thời đại Cách mạng 4.0, kỷ nguyên kinh tế số. Nhưng rõ ràng tư duy của chúng ta về pháp luật, cách thức quản lý vẫn bị kìm hãm, không thay đổi", ông Cung nói.

Theo ông Cung, những bộ là trụ cột trong cuộc cách mạng sắp tới như Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ... Tuy nhiên, phần lớn số bộ này không phải là những bộ tiên phong cải cách trong thời gian qua.

Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, nhưng khoảng cách vẫn còn khá xa so với những nước đứng đầu. Trong khi đó, nhìn ra bên ngoài, các nước trong khu vực ASEAN đang tập trung cải cách mạnh mẽ hơn Việt Nam cả về số lượng và mức độ. Năm 2017, môi trường kinh doanh của Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc.

Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực.

Về giải pháp để thay đổi tình trạng này, TS Nguyễn Đình Cung nhắc tới phương châm 10 chữ mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra vào đầu năm 2018, đó là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả.

“Có lẽ Tổ công tác của Thủ tướng phải thúc đẩy tinh thần này trong các đợt kiểm tra, đảm bảo các đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành đảm bảo nguyên tắc 10 chữ trên. Thứ nữa, có thể học kinh nghiệm của các nước OECD, đó là nếu đề xuất bổ sung 1 điều kiện kinh doanh thì phải đi kèm bãi bỏ 2 điều kiện. Đây là cách để mọi phương án đều được cân chỉnh một cách trách nhiệm”, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất. 

Theochinhphu.vn

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất