Thứ Tư, 24/4/2024
Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả
 
Đại biểu QH tỉnh Đác Nông phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường


Đề cao trách nhiệm cơ quan quản lý và người nộp thuế

Buổi sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. Phần lớn ý kiến đại biểu nhất trí cao với các điều khoản trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, so với Luật hiện hành thì dự án Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể, cần rà soát thêm để cụ thể hóa cao nhất các quy định trực tiếp liên quan nghĩa vụ, quyền lợi người nộp thuế cũng như phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế.

Theo đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), để khuyến khích việc tự giác chấp hành quy định về quản lý thuế, cần xem xét bổ sung các điều khoản về khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức có thành tích tốt trong quản lý thuế. Đồng thời, nghiên cứu đưa thêm các quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về nghĩa vụ nộp thuế. Liên quan công tác quản lý thuế, tại Điều 20 của dự án Luật, có đề cập việc UBND các cấp phối hợp Bộ Tài chính, cơ quan quản lý thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý, thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế. Quy định như vậy là không nhất quán với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Bên cạnh đó, dự án Luật còn một số khái niệm chung chung như “UBND các cấp” hoặc “đại diện chính quyền”, dễ dẫn đến nhầm lẫn, thậm chí trở thành kẽ hở pháp luật. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) cho rằng, dự án Luật cần xem xét bổ sung Điều 16 về việc đề nghị xem xét gia hạn nộp, miễn, giảm, khoanh nợ và xóa nợ thuế nhằm mở rộng quyền lợi của người nộp thuế. Trong khi đó, quy định về việc nộp giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu để đăng ký thuế lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân tại Điều 31 của dự án Luật thiếu tính khả thi, bởi đây đều là giấy tờ tùy thân cho nên không thể bàn giao cho cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, cần mở rộng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định cách tính thuế đối với người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế địa phương. Bởi thực tế có nhiều loại hình, hoạt động kinh doanh không thể xác định chính xác số thuế cần nộp như: bán lẻ không có hóa đơn hoặc bán hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa xác định được mức thuế nhập khẩu...

Tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức

Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa và cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, của QH, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Lần sửa đổi này tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước. Tại phiên họp, QH cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đánh giá cán bộ, công chức trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở cho việc bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, loại bỏ những người không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, đề nghị nội dung đánh giá cần mang tính định lượng với các tiêu chí rõ ràng hơn; việc đánh giá cần dựa trên kết quả, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức và tính đến sự gắn kết, liên thông giữa kết quả đánh giá với công tác thi đua, khen thưởng cán bộ, công chức.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu QH: Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang)... băn khoăn, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sau 5 năm tổ chức thi hành. Trong khi đó, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới có hiệu lực thi hành được khoảng ba năm. Cho nên chưa tổng kết, chưa có cơ sở để đánh giá toàn diện và thấu đáo. Mặt khác, việc thí điểm hợp nhất văn phòng của HĐND và UBND đã tiến hành tại 12 tỉnh, thành phố nhưng đến ngày 31-12-2019 mới kết thúc, vì thế chưa có cơ sở vững chắc để quyết định những vấn đề cần sửa đổi. Thảo luận về các quy định về tổ chức Chính phủ, có đại biểu cho rằng, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định giao thẩm quyền quyết định tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ T.Ư đến địa phương cho Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong khoản 4 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành lại quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ công chức, viên chức và công cụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, ở khoản 4 Điều 66 của Luật Cán bộ, công chức lại quy định, Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, việc giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức cần được cân nhắc để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, một số đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng là công chức theo hướng: không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; đối với lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước, được áp dụng chế độ công chức. Về phân loại đánh giá cán bộ, công chức, Ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đánh giá cán bộ, công chức. Theo đó, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, loại bỏ những người không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, các nội dung đánh giá cần mang tính định lượng với các tiêu chí rõ ràng hơn; việc đánh giá cần được dựa trên kết quả, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức và tính đến sự gắn kết, liên thông giữa kết quả đánh giá với công tác thi đua, khen thưởng cán bộ, công chức.

(nhandan.com.vn, 25/05/2019, 03:53:14)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất