Thứ Ba, 31/12/2024
Hướng dẫn về thực hiện bầu cử đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, trong văn bản nêu rõ: Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như ở trong nước đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử còn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra thuận lợi, thành công tốt đẹp, giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh như sau: 

1. Việc lập, bổ sung danh sách cử tri đối với người đang thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 

1.1. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi là Luật Bầu cử) thì mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, cơ quan có thẩm quyền lập danh sách cử tri cần căn cứ vào các quy định của Luật Bầu cử, hướng dẫn tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia và nội dung hướng dẫn tại công văn này để thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn, bao gồm cả các cử tri đang phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19. 

1.2. Trong thời gian sau khi danh sách cử tri đã được lập và niêm yết cho đến ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp xã cần thường xuyên theo dõi, rà soát, cập nhật và ghi chú rõ các trường hợp cử tri trong danh sách là người đang thực hiện biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà để có phương án chuẩn bị phù hợp. 

Trường hợp có cử tri thuộc danh sách cử tri trên địa bàn bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung nằm ngoài địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động lập danh sách cử tri được đưa đi cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung những người này vào danh sách cử tri tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 34 của Luật Bầu cử trong trường hợp đến ngày bầu cử mà những người này vẫn đang thực hiện việc cách ly y tế. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri ban đầu có trách nhiệm cập nhật vào danh sách cử tri cùng dòng với họ và tên của người đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung nội dung ghi chú “bỏ phiếu ở nơi khác do cách ly y tế”. 

1.3. Việc lập, bổ sung danh sách cử tri đối với người được cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung được thực hiện như sau: 

a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách những người được cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn để bổ sung danh sách cử tri trong các trường hợp nêu tại điểm c và điểm d mục này. Người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật thông tin về các trường hợp thực hiện cách ly y tế tại cơ sở do mình phụ trách và thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để kịp thời thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri và tạo điều kiện để cử tri tại cơ sở cách ly y tế tập trung thực hiện quyền bầu cử. 

b) Trường hợp thời gian cách ly tập trung kết thúc trước ngày bầu cử, thì cử tri trở về nơi cư trú, xuất trình giấy chứng nhận hoàn thành cách ly với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình cư trú để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, nhận thẻ cử tri và thực hiện việc bỏ phiếu ở nơi cư trú. 

c) Đối với các trường hợp mà đến ngày bầu cử vẫn đang trong thời gian cách ly tập trung thì chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm lập danh sách và thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cách ly tập trung theo quy định tại Điều 34 của Luật Bầu cử. Bao gồm cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú (nhà riêng, căn hộ chung cư, nhà ở tập thể, phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị) theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. 

d) Trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam được cách ly y tế tập trung ngay sau khi nhập cảnh mà đã kết thúc thời gian cách ly tập trung trước ngày bầu cử thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình cư trú tại Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri theo quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Bầu cử; trường hợp đến ngày bầu cử mà người đó vẫn đang trong thời gian cách ly tập trung thì chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm đưa thông tin về những người này vào danh sách, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cách ly tập trung theo quy định tại Điều 34 của Luật Bầu cử. 

1.4. Đối với những người đang làm việc, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ sở cách ly tập trung và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mà trong ngày bầu cử không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm tổng hợp danh sách, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cách ly tập trung theo quy định tại Điều 34 của Luật Bầu cử; đồng thời thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi những người làm việc, thực hiện nhiệm vụ trong cơ sở cách ly tập trung đã có tên trong danh sách cử tri ban đầu để cập nhật vào danh sách cử tri thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác. 

1.5. Việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri đang được điều trị bệnh Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện tương tự theo quy định của Luật Bầu cử và các hướng dẫn như đối với cử tri phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung nêu ở trên. 

2. Việc tổ chức bỏ phiếu đối với các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế và tại các địa phương có dịch bệnh Covid-19 

 2.1. Trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử rà soát, kiểm tra kỹ danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu, xác định cụ thể các cử tri thuộc trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà cùng các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật Bầu cử, điểm h khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ để có kế hoạch chuẩn bị phiếu bầu cử và mang hòm phiếu phụ đến cơ sở cách ly tập trung, nơi ở, nơi lưu trú của cử tri hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri thực hiện quyền bầu cử; có biện pháp thích hợp như niêm yết, phát thanh, thông báo hoặc gửi thông tin về danh sách chính thức những người ứng cử để cử tri đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà có đủ thông tin để lựa chọn người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. 

2.2. Đến ngày bầu cử, Tổ bầu cử cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu. 

Việc phát phiếu bầu cử cho cử tri và tổ chức để cử tri bỏ phiếu phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về bầu cử, đồng thời phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương. Sau khi cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu, thành viên Tổ bầu cử phải thực hiện việc khử khuẩn hòm phiếu phụ và mang ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu theo quy định. 

2.3. Chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm được và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia bỏ phiếu bầu cử. Tại các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu,... thực hiện đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

2.4. Trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội hoặc phong tỏa thì Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu... và những công việc cần thực hiện) để Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định. 

3. Hiện tại, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn riêng về công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức các hội nghị trong quá trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và vận động bầu cử, trong quá trình bỏ phiếu bầu cử tại 

Kế hoạch số 309/KH-BYT ngày 15/3/2021 của Bộ Y tế. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực phổ biến và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 374/CĐ-BYT ngày 25/3/2021 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 309/KH-BYT nói trên, đồng thời cần chủ động rà soát, nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh để tạo điều kiện cho tất cả công dân thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo với Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc cấp có thẩm quyền để được giải quyết, hướng dẫn./.

 

File đính kèm

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất