Thứ Ba, 31/12/2024
Đảm bảo tỷ lệ, chất lượng đại biểu nữ trong bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 -2026
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72%

Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72% và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn khóa trước. Mặc dù, tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử đã tăng lên so với trước nhưng kết quả này vẫn chưa đạt được chỉ tiêu như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm tối thiểu 35%. Để đạt tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử nhiệm kỳ tới cao hơn nhiệm kỳ trước và đặc biệt, đạt được mục tiêu mong muốn, một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là thách thức rất lớn đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, nhân tố đặc biệt quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân:

Đại biểu Y Khút Niê, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động của cơ quan này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần vào thành công chung của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Sự tham gia của nữ giới góp phần giúp cho các chính sách được ban hành sẽ hiệu quả và sát thực tế, phù hợp với đại đa số nguyện vọng các tầng lớp nhân dân.

Thực tế cũng cho thấy, các nữ đại biểu rất kiên trì, quyết liệt theo đuổi những vấn đề được người dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và đã có đóng góp tích cực trong hoạt động Quốc hội, Hội đồng Nhân dân được cử tri ghi nhận. Quan điểm tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Để đạt được mục tiêu này, trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cần tăng cường kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như kỹ năng vận động cử tri; kỹ năng, trình bày thuyết phục chương trình hành động; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng giao tiếp,... Trong quá trình vận động bầu cử, các cơ quan truyền thông cần có sự bình đẳng trong tuyên truyền, vận động giữa người ứng cử là nữ với người ứng cử là nam. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Qua thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ có thể thấy, trong các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá, thể thao và du lịch; lao động thương binh và xã hội; tôn giáo và tín ngưỡng;… các nữ đại biểu đã có nhiều tiếng nói, đóng góp tích cực cho các vấn đề liên quan đến những lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các đại biểu nữ cũng có rất nhiều hoạt động tích cực phối hợp với các cấp các ngành, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả hơn trong lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Để tăng cường tỷ lệ cũng như đảm bảo chất lượng của các nữ đại biểu, cần định hướng rõ về chủ trương bình đẳng giới trong quá trình tổ chức bầu cử. Đồng thời, quán triệt và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong giới thiệu người ra ứng cử về bình đẳng giới. Yêu cầu này cần thực hiện từ khâu dự kiến đến khâu bầu cử. Bên cạnh đó, các ứng cử viên đại biểu là nữ giới cũng cần không ngừng phấn đấu, rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng hoạt động nghị trường nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí đề ra trong vai trò là người đại biểu dân cử.

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của toàn dân diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, nhất là bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND, cần quan tâm làm tốt công tác cán bộ nữ: cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu càu phát triển liên tục, bền vững đội ngũ cán bộ nữ. Bên cạnh đó, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ, đội ngũ cán bộ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tư tưởng an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, vươn lên, hoàn thiện phẩm chất, năng lực nhằm đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình và xã hội./.

(hoidongbaucu.quochoi.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất