Thứ Ba, 19/11/2024
Những nội dung chính và điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam

 Cảnh sát biển Việt Nam kiểm tra hàng hóa trên tàu vi phạm

Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định cụ thể, chi tiết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, khẳng định, Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo quy định của Luật, Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh đến đơn vị cấp cơ sở. Hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển; Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Nhà nước xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát biển Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Luật cũng đã thể chế hóa đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững: “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển” - đây là điểm mới về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời Luật cũng quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Luật quy định 7 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó bổ sung mới 2 nhiệm vụ, một là tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển; hai là tiếp nhận, sử dụng nhân lực tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền. Luật cũng quy định 10 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trên cơ sở tập hợp hoá các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bổ sung 3 quyền hạn mới cho Cảnh sát biển Việt Nam gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp; Đề nghị tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.


 Cán bộ, chiến sỹ Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân

Về phạm vi hoạt động, Cảnh sát biển Việt Nam có phạm vi hoạt động trong vùng biển Việt Nam (khoản 1 Điều 11). Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam (khoản 2 Điều 11). Cụm từ “ngoài vùng biển Việt Nam” có thể được hiểu bao gồm: các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế). 

Về biện pháp công tác, Luật quy định rõ 7 biện pháp công tác Cảnh sát biển gồm: vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình. Đây là quy định mới, rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008; khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đang chưa có quy định về biện pháp công tác Cảnh sát biển.

Về hoạt động, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động có liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên sử dụng các quyền này để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản bất hợp pháp; nghiên cứu, thăm dò dầu khí, khoáng sản; buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép; buôn lậu ma túy trên biển; trấn áp cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Vì vậy, để bảo đảm tuân thủ khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong từng hoạt động như: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự; thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; công bố cấp độ an ninh hàng hải…

Về hợp tác quốc tế, so với Pháp lệnh trước đây, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ ràng hơn về hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, bố cục một mục riêng, gồm 3 Điều về nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, Luật quy định rõ ràng, cụ thể về quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng quỹ đất tại địa phương để xây dựng trụ sở đóng quân, trú đậu tàu thuyền, kho tàng, bến bãi; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Xuất phát từ đặc điểm môi trường hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển rộng, có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn nên nhiều trường hợp cần có sự tham gia, phối hợp công tác, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có những quy định cụ thể để bảo đảm chế độ, chính sách cho tổ chức, cá nhân hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam, cụ thể trong các điều luật. Đó là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyết định huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu; có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Về huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự, Luật quy định: Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Việc huy động phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt. Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là công cụ sắc bén cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật; góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Cảnh sát biển các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Tạo thuận lợi cho Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân Việt Nam làm ăn hợp pháp trên biển; đồng hành cùng ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam và trên vùng biển quốc tế.

Để Luật đi vào cuộc sống, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức nghiên cứu, triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Kế hoạch soạn thảo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng đã triển khai xây dựng hồ sơ Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Quyết định thành lập Tổ soạn thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện. Nội dung cơ bản của Đề án là tập trung vào tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các Bộ, Ban, ngành, đảm bảo mọi người đều được tuyên truyền, nắm được những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang xây dựng Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án kế hoạch củng cố, sắp xếp, cơ cấu lại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ Quốc phòng. Việc củng cố, sắp xếp, cơ cấu lại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chủ động phục vụ nhu cầu phát triển của Cảnh sát biển Việt Nam./.

(Nguồn: Bqp.vn)


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi