Thứ Bảy, 20/4/2024
Nhà Trưng bày Hoàng Sa - Nơi lưu giữ, tái hiện lịch sử, khẳng định dấu mốc chủ quyền dân tộc

 Nhà trưng bày Hoàng Sa

 

1. Đà Nẵng tăng cường quản lý nhà nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Ngày 11/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng: “Thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”. Đây là lần đầu tiên Hoàng Sa được nâng từ cấp xã lên cấp huyện, đồng thời là hành động của Nhà nước Việt Nam khẳng định tính pháp lý về quyền quản lý lãnh thổ một cách liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng: Nghị định số 07/1997/NĐ-CP ngày 23/01/1997 về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng, Mục 7, Điều 1 quy định “Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng có 5 quận và 2 huyện: Quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa”.

Tháng 10/2001, UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng Đề án “Quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng”. Ngày 28/11/2002, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định phê duyệt nội dung dự án “Tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng”. Dự án này là cơ sở, định hướng quan trọng để UBND huyện Hoàng Sa triển khai các hoạt động quản lý hành chính đối với lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã được Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao quan tâm, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức về các chương trình biển đảo; tình hình biển Đông; chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác biển đảo. Đồng thời, thành phố chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia công tác tuyên truyền về biển, đảo với nhiều hoạt động phong phú như: hội nghị, hội thảo, triển lãm,… đến cán bộ công chức, ngư dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, bên cạnh công chúng trong nước, công tác tuyên truyền chú trọng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài sinh sống trên địa bàn. Đà Nẵng chủ động, tích cực trao đổi, cung cấp các thông tin thời sự về tình hình biển đảo cho kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài để chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

2. UBND huyện Hoàng Sa đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa - đơn vị chuyên trách quản lý quần đảo Hoàng Sa đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, xây dựng phòng truyền thống Hoàng Sa, và sau đó là Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Thông qua các nội dung trong không gian trưng bày, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã giới thiệu, mô phỏng rõ nét về những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc quản lý hành chính, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ quá khứ đến hiện tại.

UBND huyện Hoàng Sa đã phát động nhiều cuộc vận động sưu tầm, đóng góp tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa, như bản đồ của các triều đại Việt Nam, của Trung Quốc, phương Tây, qua các thời kỳ lịch sử khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Cuộc vận động xây dựng Thư viện Hoàng Sa được phát động nhằm tiếp nối sự thành công từ những cuộc vận động để xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa, cũng như bổ sung nhiều hơn nữa về tư liệu, hiện vật Hoàng Sa. Đây sẽ là nơi lưu giữ thông tin, thiết chế văn hoá cho các nhà nghiên cứu, bạn trẻ quan tâm tìm hiểu về biển đảo, về Hoàng Sa.


 Học sinh, sinh viên tham quan không gian trưng bày về Hoàng Sa

Đặc biệt, đối với các nhân chứng Hoàng Sa, UBND huyện đã tổ chức gặp mặt, thu thập, lưu giữ thông tin liên quan về quá trình hoạt động của các nhân chứng trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1975 để xây dựng bộ tư liệu về Hoàng Sa. Vào ngày 19/01 hằng năm, UBND huyện đảo tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tri ân những đóng góp của các nhân chứng; cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục với thế hệ trẻ về chủ quyền Hoàng Sa qua các hoạt động học thuật, buổi toạ đàm với nhân chứng.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề xuất đặt tên đường mang tên Hoàng Sa; tổ chức tập hợp và khuyến khích nghiên cứu tư liệu, sưu tầm hiện vật, sáng tác văn học nghệ thuật về Hoàng Sa; tổ chức các cuộc thi, hoạt động ngoại khoá; hội thảo khoa học, sinh hoạt học thuật, triển lãm về chủ quyền biển đảo. UBND huyện Hoàng Sa thường xuyên liên hệ, tham gia các diễn đàn; xuất bản Kỷ yếu Hoàng Sa và hỗ trợ cung cấp thông tin về lịch sử, pháp lý, thực tế quản lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cho các nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Tính đến hết năm 2022, Nhà Trưng bày Hoàng Sa thu hút hơn 87 nghìn lượt với hơn 1.400 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Tháng 9/2018, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức khai mạc triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” với gần 300 bài báo, tư liệu về Hoàng Sa được giới thiệu đến công chúng. Tháng 01/2019, UBND huyện tổ chức hội thảo: “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay”...

Năm 2020, tiếp tục tổ chức hội thảo “Định hướng các giải pháp truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Ngày 18/1/2020, trong khuôn khổ lễ tiếp nhận tư liệu và phát động xây dựng thư viện Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức trưng bày bộ tư liệu “Châu Bản triều Nguyễn” và bộ sưu tập sách, công trình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà trưng bày Hoàng Sa chủ động phối hợp với Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3, Đồn Biên phòng Sơn Trà, các quận, huyện tổ chức các cuộc thi, triển lãm, cuộc triển lãm lưu động đến các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trước những hoạt động trái phép của nước ngoài trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần lên tiếng chính thức phản đối. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII (tháng 12/2007) đã thảo luận và đưa vào Nghị quyết khẳng định Hoàng Sa là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Năm 2014, với hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa. Gần đây nhất (tối ngày 19/4/2020), Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã phát thông cáo phản đối việc Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa... 

 

3. Tiếp tục phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành phố Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ ngoại giao và các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời kêu gọi toàn dân, cùng chung tay góp sức “Hướng về biên giới, biển đảo”, thông qua các hoạt động thiết thực, góp phần cùng quân dân cả nước quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo quê hương.

Thành phố Đà Nẵng cũng triển khai đồng bộ có hiệu quả hoạt động an ninh trên biển với sự phối hợp của các cơ quan, lực lượng vũ trang của địa phương, Vùng 3 Hải quân, Cảnh sát biển 2 như: Đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển; giúp ngư dân yên tâm bám biển và hỗ trợ tốt trong công tác quản lý tàu cá; sử dụng công nghệ thông tin để giám sát, kết nối với ngư dân khi hoạt động trên biển; tuyên truyền kiến thức về biển đảo cho ngư dân; nắm bắt tình hình hoạt động của tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển; thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ các hoạt động thăm dò, khảo sát, bảo vệ tàu khách, tàu quân sự nước ngoài thăm hữu nghị Đà Nẵng; đặc biệt là công tác tổ chức hoạt động khai thác kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thành phố đã đưa ra các chính sách đảm bảo phát triển du lịch biển theo hướng bền vững. Các loại hình phù hợp được xem xét để mang lại lợi ích kinh tế tối ưu, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn tài nguyên biển đảo. Đồng thời, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa; quan tâm đầu tư, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác đảm bảo những yêu cầu về môi trường, công tác về cứu hộ, cứu nạn trên biển; tạo ra một môi trường an toàn, thuận lợi và ổn định trên biển, đảo.

Những quyết tâm, kiên định của thành phố Đà Nẵng về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đã được lưu lại trên những trang tư liệu được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Tại đây, công chúng được hiểu sâu sắc hơn về quá trình quản lý nhà nước, tuyên truyền, đấu tranh của Đà Nẵng trong thời gian qua với kim chỉ nam kiên quyết bảo vệ những vùng lãnh thổ ông cha ta, các bậc tiền nhân đã khai phá từ hàng trăm, nghìn năm trước./.

ThS. Trịnh Thị Hợp (Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng)

CN. Trần Thị Lê Na (Nhà Trưng bày Hoàng Sa)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất