Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp tới việc tập trung sức xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS). Các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã triển khai mạnh mẽ các chính sách nói trên.
|
Đường vào bon Bu Bir, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) khang trang sạch đẹp |
Theo Vụ Xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, qua hơn 3 năm triển khai nhiều giải pháp, các cấp ủy đảng vùng Tây Nguyên đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực xây dựng HTCTCS nói chung và công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng nói riêng. Chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên đã có sự tiến bộ rõ nét, nhất là nhận thức về xây dựng chính quyền nhân dân, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, đổi mới mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với tổ chức chính quyền.
Bộ máy chính quyền được kiện toàn, từng bước được chuẩn hóa. Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã có nhiều chuyển biến, nội dung, hình thức chuẩn bị các kỳ họp và ra nghị quyết được đổi mới, có chất lượng hơn. Hoạt động của UBND cấp xã từng bước đi vào nền nếp, việc nắm bắt và tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt có chuyển biến tích cực, phong cách làm việc gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đã được đề cao.
Chính quyền cơ sở có sự chú ý nhiều hơn tới việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của người dân được phát huy tốt hơn, vị trí của buôn, làng được coi trọng hơn trước, người dân trực tiếp bầu thôn trưởng ở các địa bàn dân cư tự quản, vai trò của già làng hoặc người có uy tín ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng khi tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân.
Đội ngũ cán bộ thuộc HTCTCS có sự biến động mạnh cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng theo chiều hướng tích cực. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trong toàn vùng là 15.558 người, trong đó 3.978 cán bộ, công chức là người DTTS (chiếm 25,56%). Số cán bộ, công chức có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 82%; chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên chiếm 74,5%; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 44,8%. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và buôn làng trong toàn vùng có 63.546 người, trong đó ở cấp xã 13.601 người, ở buôn làng 49.945 người. Trong đó, có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng Tây Nguyên.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS), củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng thời tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với nhiệm vụ bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh; trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động HTCTCS.
Tây Nguyên cũng luôn quan tâm đến việc dự nguồn, kết nạp đảng viên là người đồng bào dân tộc; quy hoạch, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số là những người có tâm, có tài, quan tâm chăm lo thiết thực đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các xã, phường, thị trấn nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII gắn liền với việc thực hiện mục tiêu củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Bên cạnh đó, với đặc thù là vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, các tỉnh vùng Tây Nguyên xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Để tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thì cần biết tiếng, hiểu rõ phong tục của bà con. Vì vậy cần xây dựng cán bộ Mặt trận là người dân tộc thiểu số có vai trò quyết định trong đoàn kết, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín trở thành cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với vùng đồng bào dân tộc, là người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, thực hiện đoàn kết dân tộc, vận động đồng bào không nghe theo kẻ xấu, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, an tâm phát triển sản xuất.../.
Nguồn: baodaknong.org.vn, ngày 6/7/2016