Thứ Bảy, 4/1/2025
"Trợ lực" cho vùng dân tộc thiểu số

Hỗ trợ đúng, đủ các đối tượng

Thực tế cho thấy, quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu, các đề án, chính sách của trung ương bằng nguồn lực địa phương 5 năm qua đã được tỉnh vận dụng linh hoạt để triển khai theo hướng tăng cường nguồn lực và mở rộng đối tượng thụ hưởng.

 
 Người dân thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái) nhận bò giống từ Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”

Quảng Ninh có 22 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 3 xã biên giới được thụ hưởng Chương trình 135, có tổng vốn kế hoạch giao trong giai đoạn 2011-2015 là trên 122,144 tỷ đồng, vốn thực hiện là 138,248 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 25,204 tỷ đồng, ngân sách địa phương 52,795 tỷ đồng, vốn huy động, lồng ghép 60,249 tỷ đồng). Với nguồn vốn này, các địa phương đã tích cực chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn có cùng mục tiêu trên địa bàn, thực hiện 162 công trình kiên cố hoá trường học, kênh mương, cứng hoá đường giao thông..., đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực phù hợp điều kiện thực tế.

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 1592/2009/QĐ-TTg, từ nguồn vốn giao 7 tỷ đồng, tỉnh đã chỉ đạo sử dụng vốn lồng ghép thực hiện đạt 10,15 tỷ đồng xây dựng 11 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã khó khăn của tỉnh. Tiếp đó, thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013, tỉnh đã chỉ đạo rà soát tổng hợp số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; ban hành Quyết định số 236/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí tối thiểu cần hỗ trợ là 149,456 tỷ đồng. Năm 2015, mặc dù trung ương không bố trí vốn nhưng tỉnh đã bố trí trước 20 tỷ đồng hỗ trợ cho 14 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ và Bình Liêu.

Cùng với chính sách hỗ trợ các điều kiện thiết yếu cho đồng bào, tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Quyết định số 2366 về hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện này. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã hỗ trợ thêm 70.000đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn và 100.000đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực III (cao gấp 2 lần mức hỗ trợ của trung ương). Từ năm 2009 đến 2013, tỉnh có 54 xã thuộc 10 địa phương có đối tượng thụ hưởng chính sách trong diện này và từ năm 2014, còn 47 xã khó khăn được thụ hưởng chính sách này. Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2011-2014 là 25,716 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách đã đảm bảo hỗ trợ đủ, đúng đối tượng.

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp, nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn vay theo QĐ 54/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tổng số hộ dư nợ trên địa bàn tỉnh là 492 hộ, với tổng dư nợ trên 3,365 tỷ đồng. Việc chuyển hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay tín dụng, với mức lãi suất cho vay ưu đãi đã tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức của người dân về ý thức trách nhiệm với nguồn vốn cho vay ưu đãi của nhà nước. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo cho 41 xã khó khăn, với phương thức ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay cho 28 xã và hỗ trợ 50% lãi suất vay cho 13 xã...

Chính sách ưu đãi riêng

Ngoài các chính sách chung được thụ hưởng đối với các xã khó khăn, xã biên giới, hàng năm tỉnh ưu tiên dành 30% vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã khu vực III và các thôn ĐBKK. Theo đó, tỉnh đã bố trí 210 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, 53,175 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các xã khu vực III và các thôn ĐBKK thuộc khu vực I và II; triển khai thực hiện 23 dự án xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung ở các địa phương với các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh.

Năm 2014, 2015, tỉnh phối hợp triển khai chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã huy động nguồn lực là 1.379 con bò giống để hỗ trợ cho 1.379 hộ nghèo biên giới; huy động 2.000 tấn xi măng giúp 626 hộ nghèo 10 xã khu vực biên giới xây dựng, cải thiện nhà ở và các công trình phụ trợ. Tổng kinh phí huy động thực hiện 2 chương trình này là hơn 27 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã có quyết định phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ các xã nghèo, xã vùng biên giới xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất. Các thành phố chủ động trong việc hỗ trợ các huyện miền núi, cụ thể như: TP Hạ Long hỗ trợ Ba Chẽ, TP Cẩm Phả giúp huyện Bình Liêu và TP Uông Bí giúp huyện Hoành Bồ.

Nhờ những trợ lực tích cực đó, diện mạo vùng dân tộc miền núi của tỉnh đã có đổi thay đáng kể. Đến nay, 100% xã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; 100% xã có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo tiêu chí cũ, 95% số hộ dân ở các xã ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia, 85% hộ dân nông thôn, miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sự chuyển biến tích cực; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được duy trì và phát huy hiệu quả. Công tác giao đất, giao rừng được thực hiện tốt đã tạo điều kiện cho người dân vùng dân tộc, miền núi có quỹ đất để phát triển sản xuất; một số mô hình có hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống bà con.

Dù vậy, thực tế hiện nay so với mặt bằng chung của tỉnh, vùng dân tộc, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về kinh tế, xã hội, về hưởng thụ các dịch vụ cơ bản của nhân dân so với vùng đô thị còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 54,22% tổng số hộ nghèo của tỉnh); kết quả giảm nghèo chưa bền vững... Số xã, thôn hoàn thành chương trình 135 đạt thấp, chỉ có 1/22 xã và 18/124 hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2011-2015. Cơ sở hạ tầng ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, một số công trình thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân còn chậm triển khai do hạn chế về nguồn vốn... Vì vậy, giai đoạn tới đây rất cần có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp, sát thực để giúp đời sống đồng bào vùng dân tộc, miền núi có những bước tiến lớn hơn nữa. 

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 24/5/2016


 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất