Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã tư vấn đào tạo nghề cho hơn 6.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Trong đó, 2.458 lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, 2.701 lao động nông nghiệp và hơn 1.000 lao động thuộc các ngành nghề khác. Hiệu quả từ những lớp dạy nghề đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, giúp họ có những hướng đi đúng, góp phần ổn định cuộc sống.
Bà Lý Thị Hải Hiền, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều học viên, từng bước giúp họ vươn lên thoát nghèo. Ngoài việc dạy nghề, những lớp học này còn nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi cách nghĩ, cách làm đã có từ bao đời. Để nâng cao hiệu quả của các lớp đào tạo nghề, trước khi tổ chức, Sở chú trọng việc khảo sát nhu cầu học, triển khai những mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương, đảm bảo người lao động sau khi học nghề có thể sống ổn định với nghề đã lựa chọn.
|
Lớp học nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên |
Theo học nghề dệt thổ cẩm mà Dự án Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn hỗ trợ, chị Mùa Thị Mai, dân tộc Mông, thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) đã có hướng đi mới cho cuộc sống của gia đình. Trước đây, chị chủ yếu làm ruộng, cuộc sống khó khăn, không có những định hướng cho tương lai. Nhưng từ khi tham gia học nghề, chị được hướng dẫn về kỹ thuật dệt, cách sử dụng máy móc, những sản phẩm chị làm ra được nhiều người yêu thích, chị có thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng nhờ tham gia lớp học nghề, anh Nông Văn Long, dân tộc Tày, thôn Nà Thái, xã Thượng Giáp (Nà Hang) đã có cuộc sống đầy đủ hơn. Trước đây, anh chủ yếu làm ruộng và nương rẫy, thu nhập thấp, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, anh đăng ký tham gia học nghề sửa chữa xe máy tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tuyên Quang. Sau 6 tháng học, anh vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Hiện nay, cửa hàng của anh đang hoạt động tốt, thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, việc tạo điều kiện cho người dân học các lớp học nghề cải thiện cuộc sống là việc làm cần thiết. Ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Yên Sơn) cho biết, xã có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi năm, xã đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện mở từ 2 - 3 lớp học nghề phục vụ nhu cầu việc làm cho người dân. Thời gian tới, xã tập trung tìm hiểu nhu cầu việc làm của người dân để mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo hiệu quả sau khi học.
Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, phần lớn là lao động chưa thực sự chuyên cần nâng cao tay nghề, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề của một số bộ phận người lao động còn hạn chế... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, liên kết các cơ sở dạy nghề, người học và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều cơ sở đào tạo nghề không nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bằng những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn nghề phù hợp với hoàn cảnh của mình. Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tộc thiểu số về vai trò quan trọng của việc học nghề trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 23/5/2016