Thứ Bảy, 4/1/2025
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Yên Bái: Chính sách và thực tiễn

 Cán bộ người dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn trao đổi về công tác dân tộc bên lề Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX. (Ảnh: Vũ Đồng)

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số, những năm qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ CBCCVC nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng của tỉnh ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng…

Hiệu quả từ chính sách

Những năm qua, cùng với đầu tư toàn diện cho hệ thống trường bán trú, nội trú, con em đồng bào các DTTS vùng khó khăn từ cấp mầm non đến THPT và cao đẳng, đại học tại Yên Bái đã được hưởng các chính sách đãi ngộ.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đối với cán bộ DTTS, như Quyết định số 1338/2007/QĐ-UBND về việc ban hành chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ DTTS tỉnh Yên Bái; Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1338/2007/QĐ-UBND; Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách thu hút, đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý; hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người DTTS tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2016.

Đặc biệt, năm 2013, Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án Đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu đào tạo 500 cán bộ chủ chốt cấp xã, trong đó, có nhiều cán bộ DTTS.

Việc quy hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt người DTTS cũng được tỉnh quan tâm, thể hiện rõ trong quy hoạch ban chấp hành, quy hoạch cán bộ chủ chốt. Hơn thế, để ưu tiên hơn cho cán bộ DTTS, tỉnh đã có quy định trong tuyển dụng CCVC. Cụ thể, đối với khi thi tuyển hoặc xét tuyển công chức được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.

Đồng thời, ưu tiên việc bổ nhiệm các chức danh quản lý ở cấp huyện, các vị trí chủ chốt ở cấp xã đối với cán bộ DTTS. Chế độ, công tác đào tạo cán bộ DTTS tiếp tục được quan tâm, ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ chung, Yên Bái đã có chính sách riêng hỗ trợ cán bộ DTTS đi học nâng cao trình độ, cụ thể: bồi dưỡng ngắn hạn hưởng mức 300.000 đồng/tháng; đào tạo đại học cử tuyển 540.000 đồng/tháng; chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ hưởng 1.000.000 đồng/tháng.

Tỉnh cũng nghiêm túc triển khai Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 2 huyện nghèo. Qua đó, đã có 20 trí thức trẻ được tăng cường về công tác tại 20 xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.

Nhờ sự quan tâm đến cán bộ người DTTS mà cơ cấu, số lượng và chất lượng CBCCVC người DTTS đang công tác tại các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước tại Yên Bái ngày càng tăng. Hết năm 2015, toàn tỉnh có 6.845 CBCCVC người DTTS, chiếm 27,4% tổng số CBCCVC tỉnh (trong đó, cán bộ, công chức là 2.316 người, chiếm 39,7%; viên chức là 4.529 người, chiếm 23,7%); 70 cán bộ DTTS là lãnh đạo cấp sở, ngành, chiếm 43,2%; 13 lãnh đạo cấp huyện, chiếm gần 28%. Cán bộ DTTS chiếm 50% tổng số CBCCVC Ban Dân tộc tỉnh và phòng dân tộc 7 huyện.

CBCCVC người DTTS chiếm tỷ lệ cao trong tổ chức bộ máy chứng tỏ sự nghiêm túc của Yên Bái trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS.

Những vấn đề đặt ra

Dù chính sách đối với cán bộ người DTTS đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với đối tượng này còn những tồn tại, hạn chế. Nhìn chung, trình độ cán bộ người DTTS còn nhiều hạn chế về chất lượng và số lượng. Điều này thể hiện rõ cán bộ, công chức người DTTS ở cấp xã, chủ yếu có trình độ trung cấp; cấp tỉnh, huyện đa số có trình độ trung cấp, đại học, trình độ trên đại học còn ít và còn yếu về tin học và ngoại ngữ.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo - Trưởng phòng CBCCVC, Sở Nội vụ: “Đặc điểm rõ nhất là cán bộ người DTTS tập trung sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đa số đang làm việc ở các đoàn thể chính trị, giáo dục, nông - lâm nghiệp, một phần làm việc ở các ngành y tế, văn hóa, do vậy có sự mất cân đối về tỷ lệ giữa các ngành”.

Bên cạnh đó, dù việc bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS tuy đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện nhưng việc đào tạo các chuyên ngành chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng tại địa phương hoặc số người đã tốt nghiệp nhưng có tư tưởng xin việc ở lại các thành phố, thị xã trong tỉnh, không muốn về địa phương công tác.

Tại cấp xã, tình trạng cán bộ người DTTS chưa qua đào tạo, bồi dưỡng do tuổi cao, không bảo đảm điều kiện văn hóa để quy hoạch vẫn còn nhiều. Chính sách khuyến khích dành cho cán bộ DTTS đã có nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác phổ biến, tuyên truyền và thực hiện...

Nguyên nhân của tình trạng trên do Yên Bái là một tỉnh miền núi, các yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của đội ngũ CBCCVC. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với CBCCVC là người DTTS được quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo nhưng hiệu quả chưa cao vì đào tạo chưa gắn với quy hoạch, tuyển dụng và bổ nhiệm. Do đó, CBCCVC tham gia học tập chủ yếu là để đủ bằng cấp, chứng chỉ quy định, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu vị trí việc làm...

Hoàn thiện chính sách

 

Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các năm tiếp theo, cán bộ người DTTS chiếm trên 30%; quy hoạch ban chấp hành đảng bộ huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các năm tiếp theo cán bộ người DTTS chiếm trên 28%. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các năm tiếp theo, người DTTS chiếm trên 16%.

 

Để phát triển nguồn nhân lực, cùng chính sách đã ban hành, điều đáng mừng là tỉnh đang xây dựng để ban hành Nghị quyết về một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, với nhiều chế độ, chính sách liên quan đến CBCCVC, trong đó có người DTTS.

Tuy nhiên, để chính sách đối với cán bộ DTTS thời gian tới ngày càng hiệu quả, để đội ngũ này ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng khó khăn, trước tiên cần tiếp tục quán triệt sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác dân tộc.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS, thường xuyên tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tại từng địa phương.

Trong đó, chính sách ưu tiên cần được thể hiện rõ trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, phải xác định được tỷ lệ số lượng, chất lượng, cơ cấu các ngành nghề cần có, để địa phương có kế hoạch cụ thể đào tạo, sử dụng cán bộ phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc.

Cùng với tiếp tục thực hiện và có thêm chính sách thỏa đáng khuyến khích cán bộ là người DTTS đi học nâng cao trình độ sau đại học, trong công tác quản lý như luân chuyển, điều động đến công tác tại những vùng sâu, vùng xa… tỉnh cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi hơn để cán bộ yên tâm công tác.

Và để có những có bộ người DTTS thực sự có năng lực, có kinh nghiệm, cần quan tâm hơn nữa đến việc sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào quần chúng, qua đó chọn lựa, phát triển, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng để quy hoạch, bố trí vào những chức danh lãnh đạo, quản lý ở từng cấp.

Nguồn: baoyenbai.com.vn/Đình Tứ, 26/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất