Chủ Nhật, 24/11/2024
Thực hiện các chính sách dân tộc: đòn bẩy phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tập trung xóa đói giảm nghèo

Đắk Lắk hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 33% dân số của tỉnh. Nhìn chung đời sống của bà con đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu, nhất là vùng sâu vùng xa. Trước thực trạng trên, nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh tập trung thực hiện đã tạo ra những thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế vùng đồng bào DTTS. Trong đó, đáng chú ý là nhóm chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo lĩnh vực, theo ngành đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho đồng bào. Đơn cử như chính sách cho vay vốn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm (2012-2015), tổng số hộ được vay 2.153 hộ, với tổng dư nợ 14 tỷ đồng đã giúp các hộ dân tập trung đầu tư vốn vào sản xuất có hiệu quả, nhiều hộ đã thoát được đói, giảm được nghèo. Hay chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 67 và 167 của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ cho 367 hộ nghèo làm nhà với tổng kinh phí là 11,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình giảm nghèo, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cũng được các địa phương quan tâm. Toàn tỉnh đã xây dựng mô hình giảm nghèo cho 350 hộ, đào tạo nghề cho 11.542 người, giải quyết việc làm cho 41.800 người, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn từ 7% năm 2011 xuống còn 5,5% năm 2015. Song song với đó là các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất được triển khai có hiệu quả, trong 5 năm (2011-2015), đã xây dựng được 650 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 87.601 hộ nghèo; tổ chức 18 lớp tập huấn cho 1.497 học viên là cán bộ cấp xã và 40 lớp cho 2.466 học viên là đối tượng cộng đồng; duy tu bảo dưỡng 74 công trình hạ tầng như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học… Hiện nay, trên địa bàn các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn của tỉnh cơ bản không còn tình trạng đói giáp hạt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,39% xuống còn 10,02%. Có thể khẳng định thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tạo điều kiện cho bà con DTTS được hỗ trợ về vốn, cây, con giống, kiến thức, khoa học kỹ thuật…, từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, sản xuất manh mún lạc hậu lâu nay của bà con.


 Dạy nghề trồng và chăm sóc cà phê cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar.

Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao so với trung bình chung; công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu bền vững… Một trong những nguyên nhân là do chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS còn mang tính nhiệm kỳ, còn chồng chéo về đối tượng, địa bàn hưởng thụ. Mặt khác, các chính sách hầu hết mang tính hỗ trợ, chưa có chính sách đầu tư trọng điểm nên hiệu quả không cao và thiếu bền vững. Trong khi cũng có nhiều chính sách được kỳ vọng cao nhưng nguồn vốn không đáp ứng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả thấp, thậm chí gây lãng phí. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về công tác dân tộc trong thời kỳ mới nên việc thực hiện thiếu tập trung và dàn trải…

Theo ông Y Thông Khăm Niê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo nhiều nhưng phân tán, chưa tạo động lực về sinh kế cho hộ nghèo vươn lên; nhiều chương trình có mức hỗ trợ thấp dẫn đến hiệu quả không cao. Mặt khác, vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ kịp thời cho các hộ mới thoát nghèo để bảo đảm mục tiêu thoát nghèo bền vững. Để các chính sách dân tộc mang lại hiệu quả thiết thực thì cần hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo mà thay vào đó bằng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; tập trung nguồn lực cho vùng trọng điểm, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao… Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới Ủy ban dân tộc cần rà soát lại các chính sách đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, chủ động đề ra các giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả tốt hơn, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức…

Nguồn: baodaklak.vn/Thuận Nguyễn, 20/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất