Thứ Hai, 6/1/2025
Xác định tộc danh và thành phần các dân tộc là việc làm cấp thiết đối với công tác dân tộc
Đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Lê Hoàng

Năm 1959, trong cuốn "Các DTTS Việt Nam" của nhóm tác giả Lã Văn Lô, Nguyễn Hữu Thấu, xác định nước ta có 64 dân tộc. Năm 1973, tại Hà Nội, đã tiến hành hai cuộc hội thảo khoa học (vào tháng 6 và tháng 11), thống nhất lấy dân tộc (tộc người) làm đơn vị cơ bản trong xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam. Ba tiêu chí để xác định dân tộc: Có chung tiếng nói (ngôn ngữ mẹ đẻ); có chung những đặc điểm sinh hoạt văn hóa (đặc trưng văn hóa); có cùng ý thức tự giác, tự nhận cùng một dân tộc. Với các tiêu chí này, ở Việt Nam khi đó được xác định gồm 59 dân tộc.

Bảng danh mục này đã được đăng trong "Các dân tộc ít người ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc" (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978) và đăng trong tạp chí Dân tộc học, số 1 năm 1974. Nhằm phục vụ Tổng điều tra dân số cả nước vào năm 1979, tháng 12-1978, Bảng danh mục 54 dân tộc được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Dân tộc thống nhất trình Chính phủ. Sau đó, Chính phủ đã ủy nhiệm cho Tổng cục Thống kê ban hành "Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam" theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ ngày 2-3-1979. Theo danh mục này, ở nước ta có 53 DTTS và 1 dân tộc đa số.

Những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội các DTTS ở nước ta có những bước phát triển mới; đồng thời, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng có sự đổi mới và phát triển. Một trong những đổi mới về chính sách dân tộc ở nước ta là, lần đầu tiên, một trong những quyền cơ bản của công dân - quyền xác định dân tộc của mình, được đưa vào Hiến pháp 2013. Đây là điểm mới, tiến bộ, theo hướng đề cao quyền con người, quyền của các DTTS trong sự hội nhập với thế giới. Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến DTTS và công tác dân tộc.

Điển hình như: Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; Chỉ thị số 28/CT-TTg/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc...

Trong năm 2014 - 2015, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý ở các cơ quan, bộ, ban, ngành. Trong các cuộc hội thảo, các nhà khoa học và quản lý nhất trí cao và khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở nước ta hiện nay. Tiêu chí xác định thành phần dân tộc là sự thể chế hóa Điều 42, Hiến pháp 2013; là cơ sở khoa học và pháp lý củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Qua các cuộc hội thảo, 3 tiêu chí để xác định thành phần dân tộc đã được kết luận, gồm: Có chung ý thức tự giác dân tộc; có chung ngôn ngữ; có chung những đặc điểm mang tính bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy vậy, công tác xác định thành phần dân tộc nói chung, nhất là việc vận dụng các tiêu chí vào công việc này nói riêng còn bộc lộ những hạn chế, chủ yếu là các tiêu chí được đưa ra rất khó xác định, trong một số trường hợp không xác định được. Từ những hạn chế đó, quá trình xác định thành phần dân tộc đã để lại nhiều thiếu sót, hậu quả là trong đời sống tư pháp ở cơ sở, đồng bào DTTS ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong kê khai hộ tịch hộ khẩu, trong việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân.

Vì vậy, việc xác định tộc danh và thành phần các DTTS là việc làm cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đồng bào DTTS. Theo kết quả điều tra của Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, hiện nay, nước ta có 21 dân tộc đề xuất xác định lại thành phần dân tộc, 11 dân tộc có nhu cầu xác định lại tên gọi. Đồng bào các DTTS ở nước ta cư trú tập trung ở các địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng, đặc biệt là những nơi "phên giậu" của Tổ quốc. Các vấn đề liên quan đến "sắc tộc", "chủng tộc" luôn bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng phá hoại. Do đó, các cơ quan chức năng phải xác định đây là việc làm hệ trọng, liên quan chặt chẽ đến an ninh - quốc phòng.

Hơn nữa, việc xác định thành phần các dân tộc nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực đảm bảo giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh đất nước và sức mạnh quốc tế. Xác định thành phần các dân tộc là xuất phát từ nguyện vọng và vì lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS; là thực hiện quyền cơ bản của DTTS đã được Hiến pháp 2013 khẳng định (Điều 42); thể hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc của Nhà nước (Điều 5 - Hiến pháp 2013).

Khi xác định thành phần các dân tộc, phải đảm bảo yêu cầu ổn định chính trị, đoàn kết giữa các dân tộc, đúng pháp luật; đồng thời phải xem xét đến tình hình đặc điểm ở từng vùng DTTS trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để áp dụng chủ trương, biện pháp, phương pháp cho phù hợp.

Xác định thành phần các DTTS cần tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng, làm cho đồng bào hiểu rõ được chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là xuất phát từ chính nguyện vọng và lợi ích của đồng bào. Qua công tác này góp phần phát huy và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường niềm tin của đồng bào các DTTS đối với chính sách của Đảng, Nhà nước. Làm cho đồng bào hiểu rõ được những âm mưu, ý đồ xấu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến đồng bào các DTTS để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Cuối cùng, phải tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia, các học giả, chuyên gia quốc tế, các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc. Xác định thành phần các DTTS, đây vốn là vấn đề được các quốc gia, các học giả, chuyên gia, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc hết sức quan tâm. Việc xác định thành phần các DTTS ở Việt Nam là việc làm cấp thiết nhằm thực hiện quyền cơ bản nhất, quyền mang tính chất tiền đề để thúc đẩy và đảm bảo các quyền khác của các DTTS.

Nguồn: bienphong.com.vn/Lê Xuân Trình, 20/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất