Thứ Ba, 7/1/2025
Hiệu quả chương trình phối hợp công tác dân tộc ở Lâm Đồng
 
 Với những thành quả đã đạt được, Ban Dân tộc và Ban Dân vận tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ký kết
Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020

Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo
 
Sự phối hợp lồng ghép giữa chính sách dân tộc và công tác dân vận đã giúp xóa hộ đói trên toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Theo thông báo của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, nếu như cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 2,75 %, hộ nghèo người DTTS 6,98%, thì đến tháng 11/2015, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,9%, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn khoảng 4%. Tình trạng nhà tạm, nhà tranh tre dột nát đã cơ bản được giải quyết; điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn đã từng bước được cải thiện. 
 
Nếu như các chính sách dân tộc là bước mở đường thì công tác dân vận là động lực thúc đẩy bà con vùng DTTS mạnh dạn có những bước chuyển đổi trong sản xuất kinh tế. Cụ thể, Ban Dân tộc đã phối hợp với Ban Dân vận cùng các ban, ngành địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm ăn kinh tế để tự mình nâng cao chất lượng đời sống. Điển hình như ở huyện Lạc Dương, các chính sách dân tộc đã được thực hiện song song cùng với công tác vận động bà con DTTS vươn lên thoát nghèo; xây dựng các mô hình giảm nghèo bằng cách kết hợp, lồng ghép nhiều nguồn hỗ trợ như chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình 135 giai đoạn II... để tập trung nhiều nguồn vốn từ các chương trình khác nhau nhằm hỗ trợ cho bà con. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 134 mô hình. Tiêu biểu như mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao ở thị trấn Lạc Dương, mô hình chăn nuôi heo, vịt tại xã Đạ Sar... Sự thành công của các mô hình đã góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với bà con và nhân rộng mô hình làm kinh tế mới trong vùng đồng bào DTTS. Hay như ở huyện Đức Trọng, sự phối hợp của công tác dân tộc và dân vận mà các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan đã dần được xóa bỏ, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng được cải thiện. Theo thông tin từ Phòng Dân tộc huyện Đức Trọng, đến cuối năm 2015, toàn huyện có hơn 9 nghìn hộ gia đình đồng bào DTTS đạt gia đình văn hóa, chiếm 82%. Đó là kết quả nỗ lực của cán bộ dân tộc và dân vận trong việc đưa các chính sách của nhà nước vào trong vùng đồng bào DTTS, khuyến khích bà con thay đổi sản xuất thông qua quá trình dân vận khéo. Sự nỗ lực và kết hợp đó không chỉ cải thiện đời sống của bà con mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong vùng đồng bào DTTS.
Củng cố niềm tin của đồng bào
 
Ở từng địa phương khác nhau, vai trò của già làng, người có uy tín cũng được Ban Dân tộc và Ban Dân vận xác định là nhân tố hàng đầu trong việc làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách sống và cách làm kinh tế của bà con. Phát biểu tại buổi Tổng kết chương trình phối hợp công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 giữa Ban Dân tộc và Ban Dân vận Tỉnh ủy, ông Dơ Wang Ya Gương - Phó Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Ban Dân tộc và Ban Dân vận đã phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hơn 250 già làng, người có uy tín, người sản xuất giỏi trong vùng đồng bào DTTS. Những cuộc thăm hỏi, nói chuyện với già làng, người có uy tín... được hai Ban trên tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, Ban Dân vận, Ban Dân tộc và một số đơn vị có liên quan khác còn phối hợp tổ chức đưa các già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo đi tham quan Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, quần đảo Trường Sa và nhiều địa phương khác trong cả nước để họ hiểu hơn về Tổ quốc mình, đồng thời thấy được sự đổi mới của đất nước và những chính sách của Nhà nước đem lại cuộc sống mới ấm no, phát triển cho người dân. Họ chính là cầu nối giúp cho chủ trương, chính sách của Nhà nước đến gần hơn với bà con. Cũng nhờ họ mà công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc đạt hiệu quả”. 
 
Sự phối hợp giữa Ban Dân tộc và Ban Dân vận giúp giải quyết thấu đấu với những vấn đề tâm tư của bà con DTTS ở tận những vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh. Tình hình di cư tự do với mục đích tái định cư, lập làng, lấn chiếm đất nông nghiệp, phá rừng làm rẫy tại tiểu khu 61, 26, 27, 111a thuộc xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương); thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng); thôn 4, xã Đạ Long (huyện Đam Rông); tiểu khu 251, 252, 253 xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà); xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)...; hay những câu chuyện về khiếu nại mồ mả của 160 hộ dân tộc Mạ tại xã An Nhơn, Hương Lâm huyện Đa Tẻh... đều có cán bộ dân tộc và dân vận nắm rõ tình hình để trình lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra những phương án giải quyết hợp lý, đúng pháp luật và nhận được sự đồng thuận cao của bà con.
 
Sự phối hợp thường xuyên giữa khối dân vận với cán bộ phụ trách công tác dân tộc đã góp phần tích cực giúp việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư vào vùng DTTS ngày càng có hiệu quả. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự phát sinh trong vùng đồng bào DTTS cũng được phát hiện và chủ động ngăn ngừa kịp thời, góp phần giữ vững chính sách đại đoàn kết dân tộc, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và tạo thêm lòng tin của đồng bào DTTS vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Nguồn: baolamdong.vn, ngày 21/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất