Chủ Nhật, 28/4/2024
Chăm lo đội ngũ cán bộ nữ người dân tộc thiểu số ở Kon Tum
Chánh Thanh tra huyện Kon Plông Huỳnh Thị Hồng (bên trái) thường xuyên xuống cơ sở để tìm hiểu đời sống đồng bào.

Chưa bố trí cán bộ đúng chuyên môn đào tạo

Chị Y Nga, Phó Chủ tịch HĐND xã Pờ Ê, huyện Kon Plông là người dân tộc Hre, học hết lớp 10, làm công tác Đoàn và học tiếp trung cấp thanh vận. Lợi thế của chị là người địa phương, nắm được địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, nhưng trình độ hạn chế, cho nên nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Chị mong muốn được học thêm kỹ năng tuyên truyền, xử lý tình huống và đang theo học bổ túc văn hóa vào thứ bảy và chủ nhật.

Ở vùng đất còn nhiều khó khăn này, trường hợp như chị Y Nga không phải ít. Phó Bí thư Đảng ủy xã Pờ Ê, A Chôn cho biết, nữ cán bộ, công chức ở xã hiện nay có bảy trên tổng số 31 đồng chí. Về trình độ văn hóa, có hai cán bộ học hết lớp 10 và đang đi học bổ túc văn hóa. Chị Y Nga nhiệt tình, chịu khó và tâm huyết với công việc, cho nên xã tạo điều kiện cho đi học, nâng cao trình độ.

Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, Huyện ủy Kon Plông có nhiều cách làm, trong đó đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về xã công tác nhằm từng bước trẻ hóa và nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Việc cử tuyển cán bộ cũng nhằm tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê Đinh Thị Hạnh, người dân tộc Hre, được tuyển dụng về xã theo diện “cán bộ 600”. Tốt nghiệp khoa kinh tế, phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại tỉnh Kon Tum, phụ trách mảng văn hóa-xã hội, chị Hạnh thường xuyên bám làng, bám hộ, đến từng nhà vận động học sinh ra lớp; lên nương, lên rẫy thuyết phục cha mẹ cho con đến trường. Đại hội Đảng bộ xã vừa qua, đồng chí Đinh Thị Hạnh được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã Pờ Ê. Không phải người tại chỗ, chuyên môn đào tạo không phù hợp lĩnh vực công tác, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chị Hạnh khắc phục khó khăn bằng cách sâu sát địa bàn, gắn bó với bà con nên được bà con trong thôn quý trọng.

Công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS là khâu đột phá trong công tác cán bộ của Huyện ủy Kon Plông. Tuy nhiên, ở các xã của huyện Kon Plông cán bộ nữ chỉ chiếm 20,2%. Một số cán bộ nữ trẻ thiếu kinh nghiệm trong công tác ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc… Vì vậy, Huyện ủy chú trọng công tác đào tạo nguồn cán bộ kế cận. Nhiệm kỳ vừa qua, huyện đã cử đi đào tạo đại học, trung cấp, sơ cấp 137 lượt cán bộ, công chức; phối hợp với Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh Kon Tum tổ chức hai lớp trung cấp và ba lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 350 cán bộ, công chức, trong đó có nhiều cán bộ nữ nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận.

Để cán bộ trưởng thành từ thực tiễn

Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng, người dân tộc Xơ Rá, (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) là Chánh Thanh tra huyện Kon Plông. Trải qua nhiều vị trí công tác ở Ban Tổ chức Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận, năm 2010, chị Hồng được tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Đắc Long, một xã đặc biệt khó khăn. Với suy nghĩ, phải xuống cơ sở mới giải quyết được những việc ở cơ sở, chị thường xuyên dự các buổi họp thôn, các buổi tiếp xúc cử tri, để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau hai năm lăn lộn thực tiễn, chị Hồng được điều về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và tiếp tục học cao học. Tốt nghiệp, chị Hồng chuyển qua vị trí công tác mới, giữ cương vị Chánh Thanh tra huyện Kon Plông đến nay.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kon Plông Đỗ Thanh Trà, đối với trường hợp chị Hồng, tuy chuyên môn không phù hợp với ngành thanh tra nhưng chị Hồng đã có thời gian công tác tại cơ sở, trải qua nhiều vị trí công tác và nhận được sự đánh giá cao của Ban Thường vụ Huyện ủy, nên bố trí chị Hồng đảm nhiệm cương vị Chánh Thanh tra huyện. Thời gian tới, Huyện ủy sẽ có kế hoạch tiếp tục bố trí chị Hồng học thêm về nghiệp vụ công tác thanh tra. Về việc bố trí, sắp xếp công việc chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đồng chí Đỗ Thanh Trà cho rằng, một số phòng, ban chuyên môn không có cán bộ đúng chuyên ngành nhưng qua kinh nghiệm thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ đánh giá đúng năng lực để bố trí công tác. Với đội ngũ cán bộ nữ là người đồng bào DTTS, ở cấp huyện, cơ bản có trình độ đại học, hoặc đang học đại học.

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức nữ toàn huyện Kon Plông là 543 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức nữ là người DTTS là 138. Những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được Tỉnh ủy Kon Tum quan tâm. Nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh đã cử 8.269 lượt cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong 65 cán bộ, công chức đào tạo sau đại học có 20 cán bộ nữ, chiếm 30,76%; 437 đào tạo đại học, số này chủ yếu cán bộ xã, phường, thị trấn, hầu hết tuổi đời dưới 35. Về lý luận chính trị cao cấp: 419 đồng chí được cử đi đào tạo, trong đó nữ có 173 đồng chí, chiếm 41,28% và 1.291 đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

Trò chuyện với nhiều cán bộ ở các xã, cho thấy, đội ngũ cán bộ nữ tận tâm, tận lực với công việc, có ý thức khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp nhất định đối với địa phương. Nhiệm kỳ này, để nâng cao chất lượng cán bộ nữ, là người DTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, trẻ, người DTTS đến năm 2020, trong đó tập trung đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng sâu về quản lý nhà nước, chuyên ngành quản lý, lĩnh vực công tác và chức danh quy hoạch, ưu tiên cử số này đi đào tạo sau đại học, chú trọng đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo của tỉnh.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 18/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất