Thứ Sáu, 26/4/2024
Tăng cơ hội học tập cho học sinh dân tộc rất ít người
Học sinh Trường Tiểu học nội trú Giang Ma (Lai Châu). Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến hết tháng 10/2015, thực hiện Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 (Quyết định 2123 của Thủ tướng Chính phủ), các địa phương có học sinh dân tộc rất ít người (Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Kon Tum) đã xây dựng được 96 phòng học, 86 phòng công vụ giáo viên (lần lượt đạt 89,72% và 77,48% so với mục tiêu đặt ra).

Riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An hoàn thành 100% việc xây dựng phòng học. Các tỉnh Lai Châu, Kon Tum hoàn thành 100% việc xây dựng nhà công vụ.

Song song với việc tăng cường cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cũng tiến hành nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục như tổ chức biên soạn một số tài liệu đặc thù hỗ trợ giáo viên, học sinh và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 700 lượt giáo viên, giúp giáo viên triển khai tốt nội dung chương trình dạy học.

Thành quả khả quan

Trong 5 năm thực hiện đề án, đã có 13.655 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên ở 6 tỉnh nói trên được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí trên 110 tỉ đồng.

Tỉ lệ huy động trẻ em, học sinh đến trường tăng khá. Năm học 2014-2015, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt 99,77%, cấp THCS đạt 98,83%.

Nhiều dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y (ở Hà Giang), dân tộc Cống (ở Lai Châu), Si La (ở Điện Biên), Brâu (ở Kon Tum) đã huy động đạt 100% học sinh đến trường ở cả 3 cấp học.

Bên cạnh đó, tỉ lệ bỏ học của học sinh dân tộc rất ít người cũng giảm. Một số dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo không có học sinh bỏ học. Năm học 2014-2015, tỉ lệ bỏ học cấp tiểu học của cả 6 tỉnh là 0,14 %; ở cấp THCS là 1,00% và cấp THPT là 1,30%.

Tỉ lệ học sinh đạt khá, giỏi tăng. Năm học 2014-2015, tỉ lệ học sinh cấp tiểu học hoàn thành về kiến thức đạt 95,9%; tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu về năng lực là 95,4 %; tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu về phẩm chất chiếm 98,4% (theo quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học). Đối với cấp THCS và THPT, năm học 2014-2015 tỉ lệ học sinh khá giỏi là 22,84% và 15,93%. So với năm học 2010-2011, năm học đầu tiên thực hiện Quyết định 2123, tỉ lệ học sinh khá giỏi cấp THCS tăng 4,94 %, cấp THPT tăng 2,69%.

Số lượng học sinh đi học cử tuyển, dự bị đại học, trung cấp, cao đẳng, đại học tăng. Trong 5 năm đã có 103 em học trung cấp, 40 em học cử tuyển, 2 em học dự bị đại học và 21 em đỗ thẳng vào học cao đẳng, đại học.

Cái khó bó cái khôn

Mặc dù địa phương cũng đã rất cố gắng, nhưng việc xây dựng cơ sở vật chất đối với các điểm trường tiểu học chưa đạt kế hoạch đặt ra. Trên cả nước, vẫn còn 10,28% số phòng học và 22,52% số phòng công vụ chưa được xây dựng. Một số tỉnh đạt tỉ lệ chưa cao như Lào Cai chỉ đạt 55,56% phòng học và 85,71% phòng công vụ, Hà Giang chỉ đạt 82,35% phòng học và 47,06% nhà công vụ được xây dựng.

Nguyên nhân là do một số địa phương khi đề xuất xây dựng các điểm trường chưa khảo sát kỹ, chưa tính đến việc quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp nên đề xuất chưa sát với thực tế nhu cầu.

Một số tỉnh đã không dành đủ số kinh phí của ngân sách Trung ương cấp về cho xây dựng phòng học, nhà công vụ giáo viên; bên cạnh đó chưa quan tâm lồng ghép, huy động kinh phí bổ sung của địa phương để thực hiện.

Bên cạnh đó, các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn và trượt giá vật liệu xây dựng, số kinh phí chênh lệch so với nguồn được cấp lớn. Các địa phương vùng có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người còn nghèo nên rất khó huy động được các nguồn lực để bổ sung kinh phí.

Điều kiện kinh tế của đồng bào còn khó khăn, đa số là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong khi đó, các em lại là lao động chính trong gia đình nên việc đến trường cũng chưa thuận lợi.

Ngoài ra, vẫn còn một số phong tục, tập quán lạc hậu như việc kết hôn trong dòng họ cũng ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của học sinh.

Do vậy, dù 5 năm qua, Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người  giai đoạn 2010-2015 đã góp phần rất lớn nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh khu vực này nhưng để thu hẹp khoảng cách với các vùng khác thì ngành GD&ĐT và các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nguồn: baochinhphu.vn, ngày 24/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất