Thực hiện chương trình phối hợp công tác dân tộc, tôn giáo giữa Ban Dân
vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc và Sở Nội vụ (giai đoạn 2010-2015) các cơ quan tỉnh Tuyên Quang
đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu
quả công tác dân tộc, tôn giáo. Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận
thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội về
công tác dân tộc, công tác tôn giáo.
|
Cán bộ xã Minh Dân (Hàm Yên) vận động nhân dân thôn Thác Vàng chấp hành
các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Minh Huệ |
Về công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác
dân tộc, tôn giáo giai đoạn 2010-2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì
phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn cho gần 700 đồng chí là thành viên Ban
Chỉ đạo công tác tôn giáo của tỉnh. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các
ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng nghiệp
vụ công tác tôn giáo cho hơn 1.100 lượt cán bộ, công chức làm công tác
tôn giáo và cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp cơ sở; tổ
chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 240
trưởng, phó và phụ tá các điểm, nhóm đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, Ban Dân tộc tỉnh đã
tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, nghị định, quyết
sách của Trung ương, của tỉnh; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện
các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội
cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó
khăn. Ban cũng triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo,
nguồn vốn viện trợ của Chính phủ AiLen đầu tư xây dựng 654 công trình,
gồm 238 công trình đường giao thông, 70 công trình thủy lợi, 106 công
trình trường học, 181 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng… hỗ trợ giống
lúa lai, ngô lai cho gần 194.000 hộ, với trên 102 tỷ đồng; thực hiện
chính sách định canh, định cư cho 144 hộ, với 7,18 tỷ đồng.
Quan tâm đến người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong
chương trình phối hợp, các cơ quan đã hoàn thành danh sách và chính
sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo
đó, toàn tỉnh có hơn 4.700 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số. Những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số không chỉ gương mẫu đi đầu, mà còn tích cực tuyên truyền vận
động đồng bào mình thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Các chính sách quan
tâm đến họ sẽ là dịp để động viên những người có uy tín trong đồng bào
dân tộc thiểu số phát huy những kết quả đạt được, tích cực hơn nữa trong
các phong trào thi đua, phấn đấu đóng góp nhiều hơn vào thực hiện các
mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho những năm tiếp theo.
Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nội vụ đã phối hợp tốt
với các ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức các hội
nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Giai đoạn
2010 - 2015, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia
đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng
chống ma túy… cho trên 21.500 lượt người dân tộc thiểu số tại 78 thôn
bản đặc biệt khó khăn thuộc 33 xã khu vực II; tuyên truyền, phổ biến
giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho hơn 200 lượt người dân các thôn
Nà Co, Khuổi Trang, Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình); triển khai Pháp
lệnh tín ngưỡng, tôn giáo cho 140 cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện,
thành phố và 243 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo…
Hiệu quả công tác phối hợp giúp tăng cường mối quan hệ công tác giữa
các cơ quan, giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề liên quan đến
công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 23/12/2015