Ngày 8/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức tổng kết chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011 - 2015.
|
Trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được chú trọng quan tâm, chăm sóc.
(Nguồn: baoyenbai.com.vn) |
Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, sau 5 năm thực hiện Quyết định 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Quyết định 1851/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk gắn với xây dựng các mô hình thí điểm Hệ thống bảo vệ trẻ em, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm 3,07% (từ 4,25% năm 2011 xuống còn 1,18%, năm 2015); 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp; 100% các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt Chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015; 50% huyện, thị xã, thành phố triển khai thí điểm các mô hình phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng tại hai xã Ea Ktur, huyện (Cư Kuin) và Ea Ral, huyện Ea H’leo; mô hình phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục tại xã Ea M’nang, (huyện Cư M’gar); mô hình trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng tại phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuật đã giúp 23 em trở lại hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định.
Cuối năm 2014, toàn tỉnh có 131/184 xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường phù hợp với trẻ em; tỉnh cũng đã xây dựng được 16 Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em và Câu lạc bộ ông bà cháu cấp thôn, buôn; 10 trường Trung học cơ sở triển khai mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em và hoạt động tư vấn tại trường học. Mạng lưới cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em tại thôn, buôn, tổ dân phố kiện toàn với 2.470 cộng tác viên; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về trẻ em.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của một bộ phận người dân nhất là vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều; các hoạt động truyền thông tại địa phương còn chung chung, chưa phong phú đa dạng.
Theo ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc bảo vệ, giáo dục trẻ em trong 2016-2020, Đắk Lắk đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1%; 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc; 50% số xã phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% huyện, thị xã, thành phố xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em và đưa vào hoạt động hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có hiệu quả.
* Tỉnh Gia Lai đang tăng cường thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi số trẻ suy dinh dưỡng hiện nay trên địa bàn đang còn ở mức khá cao.
Theo bác sĩ Mạc Xuân Thắng - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ sinh sản, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức cho các bà mẹ về phương pháp nuôi dưỡng cho trẻ theo khoa học tiến bộ; các đơn vị chức năng phối hợp tích cực trong công tác quản lý và điều trị cho trẻ thuộc diện suy dinh dưỡng. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trung tâm đã triển khai thí điểm dự án quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng tại 5 xã của huyện vùng sâu xa Krôngpa với hơn 100 trẻ suy dinh dưỡng đạt hiệu quả cao. Năm 2015, dự án tiếp tục triển khai thực hiện tại hai xã khác của huyện K'Bang.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 160.000 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có đến 24,8% số trẻ bị suy dinh dưỡng cân nặng theo từng độ tuổi, tập trung nhiều nhất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. So với mặt bằng chung trong vùng Tây Nguyên, số trẻ suy dinh dưỡng ở Gia Lai đang duy trì ở mức trung bình, còn so với cả nước ở mức khá cao.
Một trong những nguyên nhân chính là nạn tảo hôn trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng còn khá phổ biến, chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Theo Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, trong 5 năm (2011 - 2015), tỉnh có khoảng 68.000 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, trong đó có gần 5.500 trường hợp tảo hôn (chiếm 6,42%). Đối với những trường hợp bà mẹ tảo hôn mang thai, tỷ lệ trẻ sinh ra nhẹ cân (suy dinh dưỡng) chiếm 4,16%. Bên cạnh đó, bản thân người mẹ và những người thân trong gia đình thiếu kiến thức về chăm sóc con cái nên bệnh lý xuất hiện trong cơ thể của trẻ.
Chị Siu H'Dai ở làng Đêr thuộc xã Ia Me (huyện Chưprông) lấy chồng vào năm 16 tuổi, sau đó sinh được 2 con. Đứa lớn năm nay đã 5 tuổi, nhưng thể trạng còi cọc, ốm yếu và chỉ cân nặng được 11kg, còn đứa thứ hai gần 3 tuổi nhưng cũng chỉ cân nặng chưa đầy 8kg. Chị đưa 2 cháu đến y tế cơ sở khám bệnh, được thầy thuốc khẳng định hai đứa con của chị bị suy dinh dưỡng./.
Nguồn: dangcongsan.vn/Phạm Cường, Văn Thông/TTXVN, 8/12/2015