Thứ Hai, 29/4/2024
Thúc đẩy chính sách bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia cấp cao Un Women. Hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBDT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng các lãnh đạo, công chức của 14 Ban Dân tộc các tỉnh phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.

Báo cáo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS, Trưởng BQLDA Nâng cao năng lực bình đẳng giới của UBDT cho biết: Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cùng nhiều nguyên nhân lịch sử để lại nên những hiểu biết về giới ở vùng DTTS và niền núi thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước, dẫn đến bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục…; một số vùng dân tộc và miền núi vẫn còn tồn tại nhiều luật tục, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ma chay, cưới xin, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… gây ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới. Đây chính là những thách thức lớn trong tiến trình thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở nước ta nói chung và ở vùng DTTS nói riêng.

Do đó, để từng bước nâng cao về nhận thức và thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, giảm dần mức độ bất bình đẳng giới trong đồng bào DTTS và miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBDT chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành triển khai thực hiện “Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới” tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao cho đồng bào DTTS. Qua 3 năm triển khai thực hiện, bước đầu đạt được kết quả nhất định, đồng bào DTTS đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của bình đẳng giới; số vụ bạo lực gia đình, tảo hôn… giảm đáng kể so với trước khi thực hiện Mô hình. Việc triển khai thực hiện Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, từ đó nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, trưởng thôn/bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn xã thực hiện Mô hình.

Tại Hội thảo, có nhiều ý kiến phân tích, trao đổi thẳng thắn, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất giải pháp trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra 6 giải pháp trọng tâm được xem là vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, rõ nét hơn trong thời gian tới. Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: “Việt Nam được Liên Hợp quốc đánh giá là nước có nhiều tiến bộ trong cải thiện cân bằng giới, và là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Việt Nam cần phải phát huy nhiều hơn nữa những thành tựu đã đạt được, khắc phục nhanh tồn tại, hạn chế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội”.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT nhận định: Trong gần 10 năm Luật Bình đẳng giới có hiệu lực, bên cạnh những thành tựu đã đạt được chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những vấn đề còn tồn tại và đầy thách thức để đạt được bình đẳng giới một cách thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam nói chung, nhất là phụ nữ vùng đồng bào DTTS và miền núi còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống. Đối với vùng DTTS, trình độ dân trí và mặt bằng giáo dục thấp, các phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng định kiến giới, trọng nam khinh nữ,… Đây cũng chính là thách thức lớn trong tiến trình thúc đẩy thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới ở nước ta nói chung và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, cần có thời gian, lộ trình và giải pháp hiệu quả mới có thể dần xóa bỏ được.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đánh giá cao việc hỗ trợ, phối hợp tổ chức Hội thảo giữa ba cơ quan để bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy chính sách bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm ghi nhận tấm lòng chân thành của Un Women đã luôn đồng hành và giúp đỡ tích cực cả về kỹ thuật và tài chính, góp phần giúp UBDT thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc thúc đẩy và tiến tới rút dần khoảng cách giới để đạt được bình đẳng giới thực chất trong vùng DTTS, giúp cho người DTTS nói chung, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái DTTS thực hiện được quyền bình đẳng là một trong những quyền cơ bản của con người.

Nguồn: cema.gov.vn/Bạch Thanh, 8/10/2015

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất