Thứ Năm, 9/1/2025
Đổi thay rõ nét trong đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Đổi thay trên vùng quê xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất
 
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 68 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), với 37 thành phần dân tộc cư trú trên địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, đồng bào DTTS sinh sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Xuất phát từ thực tiễn đó, Nghị quyết 06 của Thành ủy đề ra mục tiêu “phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao đời sống của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với đồng bằng và thành thị. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Quan tâm chăm lo phát triển văn hóa – xã hội trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc…
 
Thực hiện mục tiêu trên, ở Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và tổ thư ký giúp việc; 100% UBND các huyện có xã thuộc vùng đồng bào DTTS thành lập Ban Chỉ đạo, phân công các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo UBND huyện trực tiếp để nắm bắt tình hình, kiểm tra và đôn đốc thực hiện Nghị quyết 06. Một số huyện còn ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, Nghị quyết 06 đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS Thủ đô. Trong 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của khu vực đồng bào DTTS miền núi tăng 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tại các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất) vùng sản xuất chè búp khô ở Ba Trại, Tiến Xuân (Ba Vì). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đã giảm đáng kể. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã dân tộc thiểu số miền núi chiếm 18,55% thì ước đến hết năm 2015 giảm còn 5%. 
 
Cơ sở hạ tầng của các xã miền núi vùng đồng bào DTTS cũng được Thành phố quan tâm đầu tư. Từ năm 2011-2015, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình; đồng thời, kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với số tiền 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh tế 101 tỷ đồng cho vùng khó. Nhờ nguồn lực đầu tư này, đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 14/14 xã và 100% số thôn có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó, 20% kênh mương của các xã được kiên cố hóa. 100% các xã có trạm y tế và đội ngũ bác sỹ, cán bộ y tế đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Về hệ thống trường học, có 20/56 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 35,71%, trong đó, cao nhất là huyện Quốc Oai, với 5/6 trường đạt chuẩn, đạt 83,3%. Tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của các xã, thị trấn trong huyện.
 
Nói về sự đổi thay sau 4 năm Nghị quyết 06 đi vào cuộc sống, ông Bùi Văn Tình, Bí thư Đảng uỷ xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cho biết: sau khi tách từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về thủ đô Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số của xã đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành phố, huyện Thạch Thất và các tổ chức xã hội hóa. Xã đã tiếp nhận trên 100 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có trường THCS với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng do Công ty CP Him Lam tài trợ; hệ thống lưới điện được nâng cấp, thay mới đường dây và trạm biến áp, đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Giai đoạn 2009-2014, xã được đầu tư cứng hóa các tuyến đường liên thôn, năm 2015 tiếp tục được đầu tư các hạng mục công trình như Trường Tiểu học B Tiến Xuân, trường Mầm non Tiến Xuân B, đường nội đồng Quê Vải, Cố Đụng… với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Hiện nay, xã Tiến Xuân đã có 1 trường đạt chuẩn quốc gia, xã được công nhận đạt chuẩn y tế giai đoạn 2. Trong công tác xây dựng NTM, xã đã đạt 14/19 tiêu chí và phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí.
 
Ông Quách Đình Lý, người dân xã Tiến Xuân chia sẻ: với trách nhiệm của một người có uy tín trong cộng đồng đã thôi thúc bản thân ông phải suy nghĩ, tìm tòi học hỏi kiến thức kinh nghiệm để thoát nghèo cho chính gia đình mình cũng như giúp  người dân trong thôn. Ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất như máy cày, máy phay, máy sát ngô… phục vụ gia đình và các hộ dân trong xã. Ông cũng tận dụng điều kiện tự nhiên, nguồn nước sẵn có để tiến hành thâm canh tăng vụ, như trồng 0,5 ha lúa nước, 10 ha cây keo, đào đắp 3 ao nuôi cá, mở trang trại nuôi gà tập trung rộng 1.000m2… nhờ đó, tổng thu nhập của gia đình đạt từ 150-200 triệu đồng/năm. Ông còn chia sẻ kinh nghiệm, thường xuyên giúp đỡ những hộ gia đình khác trong thôn từ cây giống, con giống để cùng làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
 
Với những kết quả trên, Thành ủy Hà Nội xác định trong nhiệm kỳ tới, việc thực hiện nghị quyết 06 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô nhanh hơn, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thành ủy Hà Nội đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở, từng bước nâng cao cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi; khuyến khích các quận nội thành tăng cường hỗ trợ, đầu tư các công trình hạ tầng cho các xã nghèo, đồng thời Thành phố cũng sẽ hướng đến những giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

 

Nguồn: hanoi.gov.vn/Nguyễn Văn, 9/10/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất