Thứ Sáu, 10/1/2025
Nâng cao hiệu quả "kết nghĩa" với các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh cũng đã có trên 1.500 hộ gia đình người Kinh kết nghĩa với 1.500 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Không tổ chức kết nghĩa chung chung, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể đã thành lập ban chỉ đạo, tổ chuyên trách, phân công từng đồng chí đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của đơn vị trực tiếp về các buôn kết nghĩa để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương… trong buôn tiến hành khảo sát, nắm tình hình sản xuất và đời sống của từng hộ gia đình. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thống nhất với các cấp ủy, chính quyền địa phương, buôn được kết nghĩa các nội dung giao ước nhằm mục tiêu hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần đảm bảo an ninh chính trị, nâng cao đời sống cho đồng bào. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã cử trên 175.596 lượt cán bộ xuống thực hiện “ba cùng” với đồng bào ở các buôn để nắm tình hình, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân; nói chuyện chuyên đề, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, giúp nhau làm kinh tế vươn lên làm giàu…

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn trích một phần kinh phí, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng góp để giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào các buôn kết nghĩa về vật chất và tinh thần. Đến nay, đã hỗ trợ cho đồng bào các buôn kết nghĩa gần 80 tỷ đồng, chủ yếu là bằng cây, con giống, vật tư phân bón và các tặng phẩm khác để phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng tặng cho các buôn kết nghĩa hàng chục nhà sinh hoạt cộng đồng, gần 350 nhà tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 100 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, cải tạo gần 300 giếng nước sinh hoạt, tổ chức khám, cấp thuốc điều trị cho trên 22.254 lượt người…

Các buôn làng của đồng bào như buôn Dung A, xã Ea Khal (huyện Ea H’Leo), buôn M’Bhao, xã cư M’ta (huyện M’Đrắk), buôn Sút Mdrang, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), buôn Riêng A, xã Ea Knuếch, buôn Ea Dul, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk), buôn Kla, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana), buôn Kdun, xã Cư Êbur (thành phố Buôn Ma Thuột) trước đây là điểm nóng về an ninh, chính trị nhưng qua kết nghĩa với các cơ quan, đơn vị tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội của buôn làng đã ổn định, đời sống đồng bào được nâng lên.

Đắk Lắk tiếp tục gắn công tác kết nghĩa với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng buôn văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục giúp đồng bào dân tộc ở các buôn kết nghĩa góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội, bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

Nguồn: TTXVN, ngày 24/8/2015

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất