Thứ Hai, 25/11/2024
Phát huy hiệu quả chiến lược công tác dân tộc

 Toàn cảnh hội nghị.

Theo UBDT, ngay sau khi Quyết định số 449 được ban hành, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động lồng ghép chính sách dân tộc vào chính sách chung của ngành, lĩnh vực quản lý, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến ngày 30/10/2015, trong tổng số 56 đề án được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 2356/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, có 30 đề án đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 16 đề án đã được phê duyệt và tổ chức thực hiện. Các đề án, chính sách được ban hành đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng dân tộc và miền núi, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi bình quân 3 - 4%/năm.

Theo ông Lý Văn Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai: Thực hiện CLCTDT, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đề cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa và hiệu quả. Các huyện đã chủ động lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo hiện có để phát huy tối đa nguồn lực, nhằm đầu tư có hiệu quả các dự án trên địa bàn, tránh chồng chéo, thất thoát, lãng phí, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện các chương trình, chính sách, đặc biệt là Chương trình 135, giai đoạn 2012 - 2015, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng đến nay, trong 13 mục tiêu của chương trình mới đạt 9 mục tiêu, còn 4 mục tiêu chưa đạt là tỷ lệ hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, công trình thủy lợi, trường lớp kiên cố và điện sinh hoạt. Nguyên nhân là vốn phân bổ chậm. “UBDT cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục đưa Chương trình 135 vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và bổ sung dự án Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông đề nghị. Đây cũng là mong muốn của đại đa số các đại biểu dự hội nghị.

“Chiến lược công tác dân tộc đã trở thành “kim chỉ nam” cho việc thực hiện các chính sách dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Các chương trình, chính sách đã giúp tỉnh giải quyết được những khó khăn, bức xúc nhất ở các xã đặc biệt khó khăn như hạ tầng cơ sở, giúp người dân ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, mở rộng giao lưu giữa các vùng; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Các đại biểu cũng cho rằng, để CLCTDT đến năm 2020 sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 28; các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục phối hợp với UBDT rà soát các chính sách đã hết hiệu lực, nhưng nguồn ngân sách chưa cấp đủ theo kế hoạch, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn để đề nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung vào các đối tượng được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo theo quy định…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự đối với nội dung báo cáo. Thứ trưởng khẳng định: “Nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo hiện có để phát huy tối đa nguồn lực, nhằm đầu tư có hiệu quả các dự án trên địa bàn, tránh được chồng chéo, thất thoát, lãng phí, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Một số địa phương đã không trông chờ vào vốn của Trung ương, chủ động xây dựng đề án, chính sách đặc thù huy động nguồn lực từ địa phương và xã hội hóa để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào như: Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Nghệ An, Cần Thơ, Bình Dương…”.

 

Để sớm hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện CLCTDT và 1 năm triển khai Chỉ thị số 28 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến, bổ sung thông tin, số liệu, nội dung, những khó khăn vướng mắc và đề xuất của đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nguồn: baotintuc.vn/Trọng Thủy, 12/11/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi