Chiều ngày 4/11, Hội LHPN Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo thực trạng lao động (LĐ) nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc làm thuê qua biên giới. Tham dự có các đồng chí: Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Ban, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Bùi Thị Hòa Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam; Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục An ninh Tây Bắc Bộ Công an; các sở, ban, ngành...
|
Quang canh Hội thảo |
Theo số liệu của Cục Quản lý LĐ Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), từ năm 2011 - 2014, có hơn 20 vạn LĐ đã và đang LĐ trái phép tại Trung Quốc. Trong đó có 55% trình độ tiểu học; 20% không biết chữ; 55% làm ruộng; 30% không nghề; 30% đi LĐ thông qua biên giới, thời gian LĐ dưới 6 tháng chiếm 60%; 65% đi qua đường tiểu ngạch, đường mòn; hơn 45% là người DTTS, chủ yếu ở độ tuổi LĐ. Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay, số phụ nữ di cư qua biên giới sang Trung Quốc làm thuê trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 2.518 người, chủ yếu bằng các hình thức di cư như: Phụ nữ ở giáp biên giới sang LĐ thường đi về trong ngày; các hộ gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn, một số phụ nữ ly hôn, mâu thuẫn gia đinh, bạo lực gia đình... Số LĐ thường vào sâu trong nội địa Trung Quốc làm thuê vài tháng, nhiều trường hợp cả năm. Chủ yếu làm việc giản đơn như: Trồng rừng, chăn nuôi, làm đồ nhựa, thu hoạch mía, hái chè... Việc tự ý vượt biên sang Trung Quốc LĐ không qua các cơ quan chức năng của người LĐ sẽ không được đảm bảo và có nhiều rủi ro như: Nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy, đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn LĐ, tử vong...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, bên cạnh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng phụ nữ di cư qua biên giới cần đồng bộ các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân về các quy định pháp luật xuất nhập cảnh, chính sách xuất khẩu LĐ. Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ổn định đời sống tại chỗ. Các địa phương cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; tăng cường nguồn lực đầu tư cho các huyện, xã biên giới, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân ở khu vực biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, quần chúng, các tổ chức xã hội nhằm tuyên truyền giáo dục cho đồng bào DTTS nâng cao nhận thức để tự giác chấm dứt tình trạng di cư lao động tự do qua biên giới.
Nguồn: baohagiang.com.vn/Văn Quân, 5/11/2015