Thông qua các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, một số bà con đồng bào dân tộc đã có thêm việc làm tăng nguồn thu nhập cho gia đình, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng đồng bào dân tộc tham gia học nghề còn rất hạn chế.
CÒN ÍT NHỮNG “ĐIỂM SÁNG”
Sau gần 2 năm được học nghề đan ghế giả mây, đến nay cuộc sống của gia đình bà Lý Thị Bảy, dân tộc Châu Ro (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đã ổn định hơn nhờ nguồn thu nhập từ nghề đã học. Bà Bảy cho biết, trước đây thu nhập của gia đình bà rất bấp bênh, chỉ biết làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy. Từ lúc học được nghề đan ghế giả mây, được công ty bao tiêu sản phẩm thường xuyên, bà Bảy và một số phụ nữ trong thôn đã có việc làm ổn định, với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng, hỗ trợ chi tiêu trong gia đình.
|
Từ lớp dạy nghề chăm sóc cây tiêu do địa phương tổ chức, bà Hoàng Kim Sơn, dân tộc Châu Ro (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) đã có kiến thức để ứng dụng vào việc trồng tiêu của gia đình |
Qua trao đổi, bà Huỳnh Lệ Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Ban chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã đã tổ chức được 4 lớp học nghề là phòng trị bệnh trên cây tiêu và đan lát ghế giả mây, trong đó gần 2/3 học viên là đồng bào dân tộc tham gia. “Việc đào tạo nghề đã giúp cho bà con đồng bào đặc biệt là chị em phụ nữ có thể kiếm thêm thu nhập những lúc nông nhàn”, bà Thủy nói.
Cũng nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề mà ông Vòng Lai Sáng, dân tộc Sán Dìu (xã sông Xoài, huyện Tân Thành) có công việc ổn định nuôi sống bản thân và gia đình. Ông Sáng cho biết, năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương, ông tham gia học nghề sửa chữa xe máy do xã tổ chức. Sau khi học xong, ông được chính quyền xã Sông Xoài hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để mở tiệm sửa chữa xe máy tại nhà. Từ đó, ông Sáng đã có được 1 công việc ổn định, có thu nhập khá, không dưới 3-4 triệu đồng/tháng.
Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian qua, từ việc đào tạo nghề đã giúp một số đồng bào dân tộc tìm được việc làm ở các DN, công ty tại các KCN trên địa bàn huyện Tân Thành và Đất Đỏ; góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con. Với hình thức học linh hoạt và thời gian đào tạo tương đối ngắn, người lao động, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc có thể lựa chọn học nghề theo nguyện vọng. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, những đồng bào dân tộc học nghề và có việc làm ổn định mới chỉ là “điểm sáng” chứ chưa phổ biến. Số liệu thống kê của Sở LĐTBXH trong lĩnh vực này cũng cho thấy, số lượng đồng bào thiểu số tham gia học nghề theo đề án lao động nông thôn còn quá ít. Trong 4 năm (2011-2015) triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, số người dân tộc tham gia học nghề chỉ có 248 người/14.210 lao động nông thôn học nghề (trong đó, nghề nông nghiệp 80 người, nghề phi nông nghiệp 162 người). Với số hộ dân tộc trên toàn tỉnh là hơn 6.500 hộ thì kết quả thực hiện được chưa tương xứng.
CẦN THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Ông Dín Nhì Cẩu, Trưởng thôn Hoa Long (xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết, trong thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp học nghề đến đồng bào dân tộc trên địa bàn thôn, bà con nơi đây rất nhiệt tình hưởng ứng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, đến khi mở lớp bà con không thể tham gia do thời gian học không phù hợp, địa điểm học quá xa nhà (từ nhà đến nơi học gần 10km).
Còn bà Tạ Thị Thu, dân tộc Hoa (xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết, tuy địa phương mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng những lớp nghề phù hợp với nhu cầu của lao động thì khó được triển khai. “Ví dụ như hiện nay, đa phần phụ nữ dân tộc thích học nghề may do nghề này có thể kiếm thu nhập ổn định hơn so với các nghề khác và có thể tự làm ở nhà. Nhưng địa phương không tổ chức nghề này, nếu muốn học phải đi xa nên ai cũng ngại”, bà Thu nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Thảo, Phó trưởng phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc, hiện nay trong bà con đồng bào dân tộc vẫn chưa thực sự quyết tâm học nghề. Bên cạnh đó, do phong tục tập quán của bà con đồng bào chỉ thích kiếm việc làm có thu nhập trong ngày để chi tiêu trong gia đình nên còn hạn chế trong nhìn nhận hiệu quả của việc học nghề; phải mất nhiều thời gian sau đó mới có thu nhập. Thêm vào đó, việc thiếu đất sản xuất cũng là một trong những hạn chế tham gia học các lớp nghề nông nghiệp của bà con do không thể ứng dụng vào thực tiễn.
Một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến tình trạng khó vận động đồng bào dân tộc tham gia học nghề như học xong không có việc làm; hoạt động quảng bá, tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm còn hạn chế; chưa gắn công tác tuyển sinh với cơ hội tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn/Ngô Thanh, 19/2/2016