Thứ Hai, 25/11/2024
Hoàn thiện chính sách phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc nhận Bằng khen của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ảnh: TTXVN
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Lào Cai và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Ủy ban Dân tộc các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã về dự Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Do vậy, vấn đề hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng. 

Công tác chỉ đạo điều hành các chính sách dân tộc đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và miền núi. Làm công tác dân tộc phải có quyết tâm, có tấm lòng tâm huyết vì đồng bào dân tộc. Nói cho đồng bào biết, đồng bào nghe và học cách làm theo. Đội ngũ cán bộ của chúng ta đã có kinh nghiệm, tâm huyết làm công tác này.

Đề cập về những hạn chế của công tác dân tộc, chính sách dân tộc hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng còn có những chính sách chồng chéo, nhiều chính sách không phù hợp, không mang tính chất đặc thù, sự phối hợp chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Nguyên nhân có nhiều nhưng chúng ta chưa có cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi. 

Bên cạnh một số địa phương thực hiện có hiệu quả, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức để đôn đốc, giám sát công tác dân tộc…, trong đó có 9 địa phương chưa có chiến lược về công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020. 

Thực tế cho thấy hiện nay chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng ngày càng lớn, nhất là ở đồng bào dân tộc và miền núi cho nên chúng ta phải tính đến vấn đề này. Nếu để chênh lệch giàu nghèo kéo dài sẽ dẫn đến xung đột, cho nên chính sách của Trung ương cần quan tâm hơn nữa. Phong tục tập quán đi liền với chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa được cải thiện nhiều...

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, cần nâng cao trách nhiệm và tình cảm của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương về công tác dân tộc để thực hiện hiệu quả. Rà soát lại các chính sách dân tộc, tránh trùng lặp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để ban hành trong năm nay và những năm tiếp theo cho thiết thực hơn. 

Tăng cường nguồn lực, bố trí tập trung, không dàn trải cho các chương trình; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư nguồn lực cho đồng bào dân tộc, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quy định trách nhiệm cụ thể người đứng đầu trong thực hiện chính sách dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đúng hướng để đồng bào đoàn kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, nhất đồng bào là vùng biên giới.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn vùng dân tộc và miền núi.

Nhìn chung, tình hình vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định, đời sống của đồng bào tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhiều hơn. Trong 5 năm qua, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầu tư 135.800 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc và miền núi. Riêng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách do Ủy ban dân tộc trực tiếp quản lý là 27.144 tỷ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

Việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực được công khai minh bạch, phân cấp cho địa phương thực hiện đã chuyển dẫn từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, từ cho không sang cho vay, khắc phục dần tình trạng trông chờ, ỷ lại. 

Hệ thống chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình 135 giai đoạn III đã được thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn ở 415 huyện thuộc 52 tỉnh. Với sự đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 và các nguồn hỗ trợ khác, đến hết năm 2015 đã có 80 xã đặc biệt khó khăn (của 23 tỉnh) và 366 thôn bản (của 30 tỉnh) hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.

Bên cạnh những kết quả tích cực, chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 vẫn còn những hạn chế như mặc dù được ưu tiên đầu tư nhưng nguồn lực ngân sách trung ương bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án còn thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn, dẫn đến chính sách triển khai chậm, thiếu đồng bộ. 

Năm 2015, một số chính sách hết hiệu lực nhưng chưa hoàn thành mục tiêu, phải đề nghị thời gian kéo dài thực hiện. Tình hình kinh tế vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng kinh tế kinh tế-xã hội còn thấp kém, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, cơ sở y tế, trường học. 

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, nguy cơ tái nghèo lớn (nhiều huyện, xã có tỷ lệ hộ đói nghèo trên 50%, cá biệt có nới trên 70%). Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường vẫn là thách thức lớn đối với vùng dân tộc và miền núi.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng hầu hết đồng bào ở vùng dân tộc và miền núi đều khó khăn, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn quan tâm đến các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào dân tộc ở tất cả các địa phương. 

Trong đó có chính sách xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững qua các chính sách như phát triển rừng, xây dựng hệ thống kênh mương đảm bảo tưới tiêu góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, chia sẻ những khó khăn với đồng bào dân tộc và miền núi để xây dựng nông thôn mới.

Song sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở vùng dân tộc và miền núi còn kém phát triển, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn còn nhiều bất cập, phần lớn diện tích canh tác còn nhờ nước trời nên kém bền vững nhất là trong thời điểm biến đổi khí hậu khắc nghiệt. 

Thu nhập và đời sống của bộ phận lớn của đồng bào còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… Nếu không có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, liên kết nội bộ giữa nông dân với nông dân thì khó có thể sản xuất hàng hóa lớn, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cũng cho rằng, trong 5 năm qua Chính phủ đã quan tâm sâu sắc đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua việc ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP góp phần đổi mới, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và miền núi. 

Vùng dân tộc trong thời gian tới còn nhiều thách thức, bởi địa bàn nhiều vùng còn khó khăn và có những đặc thù khác nhau nên việc đề ra chính sách đặc thù đến các vùng miền, nếu cứ cào bằng thì khó thực thi các chính sách dân tộc, trong đó có sản xuất hàng hóa lớn, liên kết vùng…Vì một bộ phận đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn chênh lệch, tỷ lệ đói nghèo cao.

Đánh giá về hiệu quả của các chính sách dân tộc thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Cao Huy khẳng định các chính sách của cho đồng bào dân tộc và miền núi đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là Chương trình 2472 về cấp phát báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa.

“Tôi mong rằng Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tới chính sách cấp phát báo đến vùng đồng bào dân tộc và miền núi để đồng bào tiếp cận thông tin, học và làm theo báo để tìm cách làm giàu,” ông Cao Huy kiến nghị. 

Đại diện các tỉnh Quảng Nam, Trà Vinh cũng đã đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, có những chính sách cụ thể để giúp đỡ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Liên quan đến vấn đề định canh định cư còn 14 khu tái định cư liên quan đến hơn 2.000 hộ dân hiện nay rất khó khăn,” lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết.

Trên cơ sở những kết quả thực hiện năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015, Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trong tâm về chính sách dân tộc trong năm 2016, như chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai các nhiệm vụ kế hoạch và dự toán năm 2016; trọng tâm là chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 và các chính sách đặc thù khi được phê duyệt.

Phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi; chỉ đạo hoàn thành các đề án năm 2015 chưa được phê duyệt và các đề án mới đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, kịp thời phát hiện, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, nhất là các vụ việc nổi cộm ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Tây duyên hải miền Trung, không để xảy ra các điểm “nóng” về an ninh trật tự, các yếu tố bất ngờ, bất ổn định vùng dân tộc, miền núi.

Giúp đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, xuyên tác nối xấu Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tổ chức triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hễ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”…/.

Nguồn: TTXVN, 27/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất