Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh như trên tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan công tác dân tộc của TP. Hà Nội tổ chức ngày 25/4.
Đi đầu cả nước trong thực hiện giảm nghèo
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ năm 2008, số đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội rất lớn. Toàn Thành phố có khoảng 68 nghìn người dân tộc thiểu số, với 37 thành phần dân tộc cư trú trên khắp địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện, với tổng số trên 52.000 người, chiếm 77,63% người dân tộc thiểu số trên toàn Thành phố.
|
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan công tác dân tộc của TP. Hà Nội |
Xác định đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân tộc Thủ đô, nhiều chủ chương, chính sách đã được chính quyền Thành phố đưa ra với giải pháp thiết thực và có hiệu quả.
Hiệu quả nổi bật là, Hà Nội đã đi đầu cả nước trong thực hiện chính sách hỗ trợ, giảm nghèo; xóa nhà dột nát; ban hành Nghị quyết 06 khóa 15 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015” với các mục tiêu, nhiệm vụ và 12 chỉ tiêu cụ thể.
Ngoài bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, phục vụ đời sống đồng bào vùng dân tộc, Thành phố đã huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhất là sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quận nội thành, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố với đồng bào vùng dân tộc. Qua đó đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc.
Đến nay, diện mạo nông thôn miền núi Thủ đô có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên. Đã có 14/14 xã dân tộc miền núi đều có đường ô tô được thảm nhựa, hoặc đổ bê tông đến tận trụ sở UBND xã, trên 60% đường liên thôn được bê tông hóa, có 2/14 xã được công nhận xã Nông thôn mới.
Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 giảm xuống còn 5% (theo mức chuẩn nghèo của Thành phố). Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được nâng lên; số cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Đồng bào các dân tộc ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Khuyến khích đồng bào dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực
Tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ, những đổi thay trên địa bàn nông thôn, miền núi của Thủ đô là kết quả của những chính sách đúng đắn, kịp thời, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo đầy trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là những đóng góp tích cực của các thế hệ làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ công tác phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, với hình thức phong phú, nội dung phù hợp với trình độ dân trí, tập quán và lối sống của đồng bào. Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc và địa phương, động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Bí thư Thành ủy yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các chỉ tiêu, chương trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện, tập trung lãnh đạo, đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Cần rà soát, quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc của Thành phố bảo đảm đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và hơn hết là am hiểu đồng bào, nhiệt huyết với công việc, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.
“Mỗi đồng chí cần phải ý thức sâu sắc hơn về chức trách, nhiệm vụ, đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật, luôn đặt lợi ích chung của dân tộc lên trên hết; cần đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nói không đi đôi với làm, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, nâng cao kỹ năng vận động quần chúng”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Trước mắt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quán triệt, phổ biến thông tin, tuyên truyền, để mọi đồng bào hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; về quyền và trách nhiệm của công dân; động viên đồng bào tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, để cuộc bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Nguồn: thanglong.chinhphu.vn, 25/4/2016