Lâu nay, Trạm Tấu được biết đến là một trong những huyện nghèo nhất nước với 77% là đồng bào Mông, đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 56%... Ngần ấy thôi cũng đủ thấy cái khó ở Trạm Tấu nên việc lo cho dân no cái bụng cũng là một câu chuyện dài và gian nan chứ nói gì đến thay đổi cái này, thay đổi cái kia.
|
Cán bộ xã Bản Công, huyện Trạm Tấu trao đổi với nhân dân về việc thực hiện hương ước, quy ước thôn bản văn hoá |
Ấy vậy, những việc tưởng chừng như ăn sâu bám rễ bao đời nay của đồng bào Mông Trạm Tấu trong đám ma, đám cưới với một số hủ tục ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần càng không làm no được cái bụng đã được người dân loại bỏ.
Ký ức xa vời
Chuyện xảy ra cũng không hẳn quá lâu, nhưng vì sự tiến bộ trong nhận thức của người Mông ở Trạm Tấu đã khiến nó trở thành ký ức xa vời. Lấy năm 2011 làm mốc, nếu ai đã từng được chứng kiến một đám tang của người Mông Trạm Tấu thì có lẽ phải rùng mình sợ hãi trước một số hủ tục như treo người chết trong nhà 3 – 5 ngày, không cho vào quan tài, bón cơm...
Còn nhớ anh bạn đồng nghiệp ở dưới xuôi lên Trạm Tấu công tác, rồi trở về với một mớ hỗn độn mà theo anh là cả hình ảnh, cả mùi, cả sự kinh ngạc khi chứng kiến một đám tang của người Mông bản địa.
Những thủ tục gọi là hủ tục này đã diễn ra trong đời sống của đồng bào Mông ở đây ra sao, anh Mùa A Già - chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu, cũng là một người con của Trạm Tấu hiểu rõ nhất, anh cho biết: “Tôi lớn lên, đã thấy ông bà, họ hàng và cả những người bà con trong bản mình đều làm như vậy rồi! Treo người chết trong nhà 3 - 5 ngày là chuyện có thật, vì càng quý càng để lâu”.
Theo quan niệm của những người già trong bản, cho người chết vào quan tài là bó buộc linh hồn (ma) trong chiếc hộp do đó, linh hồn không thể thoát ra để phù hộ cho người còn sống, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, sức khỏe của gia đình. Còn một lý do khác là do người Mông sống trên cao và chết cũng phải được ở trên cao nhất, gần với trời nhất, nên nếu cho vào quan tài thì đưa lên núi rất khó khăn. Rồi cái tục bón cơm cho người chết khiến anh bạn đồng nghiệp kinh hãi nhất, thì được anh Già giải thích: “Người xưa quan niệm, người chết cũng phải được ăn 3 bữa như người còn sống, nếu không sẽ thành ma đói”.
Đó là những thủ tục, còn gia chủ tổ chức cỗ bàn linh đình, bao nhiêu ngày đám tang diễn ra là bấy nhiêu ngày đủ ba bữa rượu, thịt mà theo anh Già: “Lợn, gà không tính, trâu bò 2 - 3 con”. Bảo sao mà trước đây, sau mỗi đám tang cho người chết, những người còn sống lại “oằn lưng” trả cho những món nợ của số trâu, bò, lợn, gà đã “ngã ra”; bảo sao cái khó, cái nghèo cứ đeo bám.
Chuyện đám tang là vậy, đám cưới cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt. Không phải là người Mông bản địa, nhưng chị Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu đã có mười mấy năm công tác tại huyện vùng cao này nên chị đã chứng kiến đủ cả những lần thách cưới kiểu “trên trời” của người dân.
Chị chia sẻ: “Trước có gia đình thách cưới đến 20 triệu đồng - số tiền quá lớn đối với hộ gia đình nghèo ở Trạm Tấu. Có nhà cũng cố gắng vay mượn để tổ chức cho con nhưng sau đó là hành trình trả món nợ đám cưới, có khi con cháu lớn rồi mới trả được hết. Cũng có nhà thấy thách cưới cao quá không đủ khả năng thì không tổ chức, không cho các con lấy nhau. Trong cùng một bản thì không sao, nhưng khác bản, khác xã thì tạo ra tư duy bó hẹp, cục bộ, mất đoàn kết”.
Thách cưới là một phong tục, không phải là hủ tục, song khi thách cưới quá cao thì phong tục ấy lại trở nên không đẹp, gây mâu thuẫn bản làng, người dân và có khi đôi trẻ yêu nhau đấy nhưng lại bị rẽ duyên. Hay lớn hơn gây ra sự mất đoàn kết, tư duy bản làng. Vậy nhưng, giờ đây tất cả đã là những ký ức xa vời.
Nhân tố mới
Trạm Tấu là một trong hai huyện nghèo nhất tỉnh, lại đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành cho Trạm Tấu sự quan tâm đặc biệt. Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 là minh chứng cho sự quan tâm ấy. Nghị quyết đã thực sự tạo nên một cuộc "cách mạng” ở Trạm Tấu với sức lan tỏa sâu rộng và lâu dài.
Với tiền đề đó, năm 2011, huyện Trạm Tấu đã giao cho ngành văn hóa huyện tìm hiểu những vấn đề bất cập trong việc cưới, việc tang cần phải thay đổi để phù hợp với nếp sống văn hóa. Đặc biệt là việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản được đồng loạt triển khai ở 69/69 thôn, bản, tổ dân phố trong toàn huyện - đây chính là nhân tố quyết định trong xây dựng đời sống văn hóa ở Trạm Tấu.
Không chủ quan với những kết quả đạt được, Trạm Tấu đã xây dựng Chương trình hành động trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV về tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có vận động “Ba không, hai phải” trong hôn nhân, gia đình, việc cưới, việc tang (không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba; phải cho người chết vào quan tài, phải chôn người chết trước 48 tiếng).
|
Có thể nói, Trạm Tấu là một trong số ít những huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã tổ chức xây dựng được hương ước quy ước thống nhất, bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và loại bỏ được những hủ tục.
Chị Vũ Thị Hiền phấn khởi chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết, Phòng đã tham mưu với huyện có những định hướng nội dung xây dựng và thực hiện hương ước quy ước thôn, bản để người dân được tham gia ý kiến. Từ đó, các thôn, bản tự xây dựng hương ước, quy ước cho mình”.
Được biết, vài cuộc họp của lãnh đạo huyện, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện với lãnh đạo các xã, các già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đã được diễn ra. Bởi Trạm Tấu xác định, đó là những người tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất trong dân. Sự thống nhất cao được đưa ra, toàn bộ 12 xã đồng loạt tổ chức xây dựng hương ước, quy ước theo sự định hướng của huyện.
Nội dung của các bản quy ước dễ hiểu các quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, việc ăn ở, đi lại, chấp hành pháp luật đã được cụ thể hóa ở mỗi thôn bản, tổ dân phố phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các bản quy ước lấy tính giáo dục, răn đe là chính, không nặng về các hình thức xử phạt, tạo được sự đồng thuận trong mỗi gia đình.
Hương ước, quy ước chỉ có thể làm thay đổi một cách nhanh chóng tục lệ bao đời của đồng bào khi sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể được phát huy. Chị Hiền nhớ lại: “Vất vả lắm! Hồi đầu mới thực hiện, có người mất, Bí thư Huyện ủy xuống tận nơi, thành lập đoàn công tác, giải thích cho nhân dân hiểu vì sao lại thế. Hơn cả, chính sách hỗ trợ được đưa ra, lúc đầu mỗi người mất được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng mua áo quan. Sau này là 3 triệu đồng và giờ thì không có hỗ trợ, người dân vẫn chấp hành”.
Trong giải pháp tuyên truyền vận động, cán bộ người bản địa là chủ lực. Cùng với đó, đảng viên là người tiên phong trong thực hiện hương ước, quy ước, tuyên truyền, vận động từ chính người nhà mình - là chủ trương của Trạm Tấu lúc bấy giờ được sự đồng lòng ủng hộ của cán bộ, đảng viên trong toàn huyện.
Anh Mùa A Già chia sẻ thêm: “Đúng năm 2011, năm đầu tiên thực hiện hương ước, quy ước mạnh tay ở Trạm Tấu, nhà tôi có ông chú ruột ở xã Xà Hồ mất. Tôi đã trực tiếp vận động gia đình mình thực hiện nếp sống văn hóa mới, cho người mất vào quan tài, không để quá 48 tiếng. Lúc đầu anh em trong nhà thắc mắc lắm, nhất là những người lớn tuổi trong dòng họ không đồng ý đâu. Tôi đã giải thích rằng mình nên làm theo quy định của Nhà nước, như thế là vệ sinh môi trường, là nếp sống văn hóa, cái gì thay đổi để tiến bộ thì phải thay đổi, không xóa bỏ truyền thống nhưng cái gì không phù hợp thì bỏ đi... Rồi cả dòng họ đều đồng ý”. Cứ như thế, cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, nhân dân theo sau.
Mốc thời gian năm 2011 đã chia đôi bức tranh thành hai mảng màu khác nhau. Người dân Trạm Tấu đặc biệt là đồng bào Mông ai cũng đã thấy cái được rất lớn trong thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa.
Anh Sùng A Khay - Trưởng thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ có đến mười mấy năm làm Trưởng thôn chia sẻ: “Đời sống của người dân đã được nâng lên, đời sống văn hóa thay đổi tiến bộ. Giờ thì ai cũng hiểu lợi ích, sự cần thiết của thực hiện hương ước, quy ước. Đám ma, đám cưới đều thực hiện theo nếp sống văn hóa. Giờ đây nếu trong thôn có người mất thì được chôn cất tại nghĩa trang của thôn; không có đôi trẻ nào vì thách cưới cao mà không lấy được nhau. Ai cũng vui và phấn khởi”.
Sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Trạm Tấu, sự đồng lòng của các tổ chức, đoàn thể địa phương, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ đảng viên đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người Mông, để hôm nay toàn tâm, toàn ý thực hiện theo hương ước, quy ước. Nếu hương ước quy ước được coi là nhân tố mới trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở Trạm Tấu thì chương trình hành động của Huyện ủy chính là lực đẩy để nhân tố đó ngày càng được phát huy hiệu quả và chắc chắn rằng mảng màu của bức tranh Trạm Tấu sau mốc 2011 sẽ ngày càng tươi sáng hơn./.
Nguồn: baoyenbai.com.vn/Thanh Ba, ngày 28/4/2016