Thứ Bảy, 4/1/2025
Bình Liêu: Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Triệu Đình Sinh, Trưởng Ban Dân tộc huyện Bình Liêu, cho biết: “Với đặc thù là địa bàn có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, công tác dân tộc của huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Huyện tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nhiều chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đặc thù cho vùng đồng bào DTTS về đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, xoá đói giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khoẻ, phát triển giáo dục… đã đến kịp thời, đầy đủ với đồng bào. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xoá bỏ dần phong tục tập quán lạc hậu, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao đời sống”.


 Người dân xã Đồng Tâm (Bình Liêu) phấn khởi nhận xi măng do Tổng Công ty Viễn thông Quân đội hỗ trợ.

Nếu như những năm trước đây, hằng năm, huyện Bình Liêu phải thực hiện trợ cấp cứu đói giáp hạt cho các hộ vùng cao, thì đến nay đồng bào trên địa bàn đã dần tự chủ đời sống. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 22,5 triệu đồng, trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trường lớp đã được kiên cố hoá; chất lượng chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện… Nhờ tiếp cận tốt các chính sách phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đồng bào DTTS huyện Bình Liêu đã ổn định đời sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít hộ đồng bào DTTS còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Đây là một trong những khó khăn của Bình Liêu nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước trong quá trình triển khai các chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi. Bình Liêu hiện vẫn còn trên 44% hộ nghèo và có 6 xã (Húc Động, Đồng Tâm, Đồng Văn, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại), 4 thôn (Ngàn Cậm, Cao Sơn, Pắc Cương, Ngàn Kheo của xã Hoành Mô) thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Để đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK với nhiều hạng mục hạ tầng cần nguồn vốn lớn trong khi người dân ở đây không có điều kiện đối ứng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bởi vậy, trong thời gian tới, Bình Liêu vẫn rất cần sự quan tâm đặc biệt, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm đưa các xã, thôn này ra khỏi diện ĐBKK. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, xoá bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức làm ăn với phương châm “cầm tay chỉ việc”. Đơn cử như việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi mẫu chuẩn để bà con tham gia làm theo, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa tránh những hậu quả đáng tiếc khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra. Giai đoạn 2015-2020, Bình Liêu sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông - lâm nghiệp sang dịch vụ thương mại và du lịch, trong đó bản sắc văn hoá của cộng đồng DTTS trên địa bàn được xem là một điểm nhấn của du lịch Bình Liêu. Huyện cũng sẽ tuyên truyền, tập huấn để đồng bào tiếp cận dần với xu hướng làm dịch vụ, du lịch, thương mại. Đồng thời, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh tế biên mậu nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống đồng bào DTTS”.

Nguồn: baoquangninh.com.vn/Phương Thúy, ngày 27/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất