Theo đó, Thông tư này quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi kinh phí hỗ trợ, nguồn kinh phí; lập dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước; chế độ báo cáo; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chính sách hỗ trợ một lần cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Đối tượng được hỗ trợ quy định tại Điều 1 của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP; mỗi đối tượng chỉ được nhận một lần với mức hỗ trợ là 2 triệu đồng. Thời điểm hỗ trợ tính từ tháng đầu sau khi sinh con thuộc đối tượng được hỗ trợ. Phương thức hỗ trợ bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.
UBND cấp xã chỉ đạo người làm công tác dân số, lao động, xã hội trong việc lập danh sách đối tượng hỗ trợ chính sách, báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ, kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ hoặc thân nhân đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ lập, bổ sung hồ sơ, xác nhận đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ; tổ chức cấp phát kinh phí cho đối tượng hỗ trợ, thu hồi kinh phí đối với đối tượng đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng vi phạm cam kết theo quy định; Thực hiện công khai đối tượng hưởng hỗ trợ trước và sau khi có quyết định hỗ trợ theo quy định hiện hành; Kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ; Quản lý, theo dõi đối tượng nhận hỗ trợ trong việc thực hiện cam kết không sinh thêm con trái chính sách dân số hoặc vi phạm chính sách hỗ trợ một lần; Báo cáo thực hiện chính sách hỗ trợ.
Kinh phí hỗ trợ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi bảo đảm xã hội theo phân cấp ngân sách hiện hành. Năm 2016, ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; các địa phương còn lại do ngân sách địa phương tự bảo đảm.