Thứ Bảy, 4/1/2025
Đổi thay trên quê hương cách mạng

Trên địa bàn huyện vùng cao A Lưới, gia đình đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy… đều lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cứ đến dịp lễ, Tết họ lại thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ như một lời tri ân. Đi qua những ngôi làng trên dãy Trường Sơn, tâm sự với các già làng, trưởng bản, họ đều thổ lộ: Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đồng bào Pa Cô, Tà Ôi… khốn khó thiếu ăn, thiếu mặc khi bom đạn phá nát hết buôn, làng. Thấu hiểu sự vất vả ấy, từ những năm 1962 đến 1965, Đảng và Bác Hồ đã gửi muối ăn, cuốc, rựa vào cho bà con để tăng gia sản xuất, chống đói rét. Họ xúc động khi "muối Cụ Hồ, rựa Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ" đến với đồng bào trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, từ đó, đồng bào quyết một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác.


 Già làng Hồ Thanh Xoa bên bàn thờ Bác Hồ trong ngôi nhà của mình

Năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, đồng bào nơi đây đã đồng loạt lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình. Cũng chính từ ngày có Bác Hồ giúp gạo, muối, áo quần, được cán bộ Cụ Hồ dạy cái chữ, đồng bào đã thoát đói, bớt khổ. Vì vậy, đồng bào nguyện một lòng đi theo ánh sáng cách mạng, phục vụ chiến đấu. Đất nước thống nhất, hiện tính ra ở A Lưới có gần 12 nghìn đồng bào thiểu số mang họ Hồ và thật sự đổi đời nhờ các chính sách, chủ trương và sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Con em của họ trước đây chỉ biết lên nương, rẫy nay đã được học hành. Những cử nhân đại học, kỹ sư nông nghiệp người Pa Cô, Tà Ôi… hiện không còn là điều hiếm.

Già làng Hồ Thanh Xoa ở thôn Quảng Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới tâm sự: “Bà con ở đây giờ đã có gạo trắng để ăn, không phải ăn khoai, sắn độn cơm như trước nữa. Nghe lời cán bộ và các già làng tuyên truyền vận động, đồng bào Pa Cô, Tà Ôi nơi đây biết chăm chỉ làm ăn, cho con đi học lấy cái chữ dưới trường huyện. Bà con được như ngày hôm nay là do biết đoàn kết, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ”.

Đến A Lưới hôm nay mới thấy hết sự đổi thay từng ngày trên vùng chiến khu xưa - nơi đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới đã trải qua và chịu đựng biết bao bom đạn của chiến tranh khốc liệt cũng như cái nghèo đói cứ dai dẳng mấy chục năm qua. Hôm chúng tôi đến xã Hồng Vân, bà Kan Vây ở thôn A5 đang đảo ngô ngoài sân. Bà khoe, năm nay thu được nhiều ngô, sắn, nhà mình lo đủ cái ăn rồi. Trong vụ này, ngoài ba sào lúa, gia đình bà còn thu hơn sáu tạ bắp, hai tấn sắn và nhiều hoa màu khác. Xã Hồng Hạ với đồng bào Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy và dân tộc Kinh sinh sống, bà con biết chung sức trồng mới, bảo vệ làm cho một vùng rừng vốn bị tàn phá trong chiến tranh nay xanh tốt.

Đến nay, Hồng Hạ đã trồng được hơn 1.000 ha rừng phòng hộ, dẫn đầu các xã trong toàn huyện. Xã tổ chức phát triển kinh tế trang trại, tận dụng nguồn đất bãi bồi đầu nguồn sông Bồ trồng được 50 ha cao-su tiểu điền, 10 ha cây ăn quả, hơn 2.000 hố tiêu. Đời sống người dân nâng cao nhờ kinh tế rừng phát triển, toàn xã sắm được 57 chiếc xe máy, 65% số hộ có ti-vi, 100% số hộ có ra-đi-ô. Đồng bào được cán bộ khuyến nông hướng dẫn lập vườn rừng, vườn đồi, vườn nhà để định cư, phát triển chăn nuôi...

Đời sống của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới được nâng lên rõ rệt. Trình độ thâm canh cây trồng, vật nuôi của nông dân đã tiến bộ hơn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cao hơn trước, các ngành nghề và dịch vụ kinh doanh đã được phát triển. Nhiều công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm được tăng cường, cơ sở hạ tầng phát triển. Các đập thủy lợi và hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất lúa hai vụ trong năm. Tại các xã, hệ thống trường học, điện, đường, trạm y tế được xây dựng hoàn chỉnh 100%. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, từ 61,58% năm 2001 đến nay còn 10% (theo tiêu chí cũ).

Người Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy ở A Lưới luôn ơn Đảng và Bác Hồ, cùng nhau học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững trên quê hương cách mạng./.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 18/5/2016


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất