Chủ Nhật, 29/12/2024
Bảo tồn các ngôn ngữ thiểu số

 Đường vào bản của người A Rem.

1. Đầu tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm “Bảo tồn và nghiên cứu các ngôn ngữ tại Việt Nam: Triển vọng mở dựa trên việc số hóa các tư liệu tiếng nói”. Cuộc tọa đàm như một báo cáo kết quả của đề tài “Số hóa tư liệu tiếng nói của Michel Ferlus”. 

Tọa đàm tập trung vào các bản thu âm về các ngôn ngữ thiểu số tại Việt Nam, được thực hiện bởi 2 nhà nghiên cứu Michel Ferlus và Jacques Dournes, hiện đã công bố và có thể truy cập thông qua Internet. Theo đó, sau khi nghiên cứu các từ cổ mà hiện nay đã bị biến thể, phát âm không còn như ban đầu, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để có được cách phát âm chính xác của từ gốc là sử dụng bản ghi âm giọng nói của từ đó. 

Bắt nguồn từ những bản thu âm các ngôn ngữ thiểu số tại Đông Nam Á của 2 nhà nghiên cứu Michel Ferlus và Jacques Dournes thực hiện từ năm 1981 đến 2013, kho tư liệu số hóa của các ngôn ngữ thiểu số Việt Nam đã xuất hiện trên thư viện ngôn ngữ Pangloss của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. Có thể nói, đây là kho dữ liệu số hóa đa dạng nhất về các phương ngữ của Việt Nam hiện nay, theo chuẩn quốc tế.

Theo GS.TS Trần Trí Dõi- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội), một thành viên tham gia Dự án, đây là thành quả rất có ý nghĩa, bởi từ cơ sở dữ liệu này giới nghiên cứu có thể tìm hiểu sự biến đổi của ngôn ngữ, những khác biệt về ngôn ngữ ở từng vùng, miền, hoặc lịch sử hình thành ngôn ngữ đó. 

Trò chuyện với báo chí về quá trình điền dã kéo dài hơn 3 thập kỷ qua, GS.TS Trần Trí Dõi chia sẻ: “Chúng tôi đi nghiên cứu điền dã các dân tộc thiểu số bắt đầu từ năm 1981. Giai đoạn đầu chưa có các phương tiện nên chỉ nghe và ghi, về sau hợp tác được với các trường đại học nước ngoài, lúc đó mới có điều kiện dùng băng từ. Mình phải cắt ra từng âm, rồi âm đó tương ứng với từ nào của tiếng Việt, tương ứng với từ nào của tiếng nước ngoài; rồi âm đó nằm trong tổng số câu như thế nào. Hiện nay về mặt kỹ thuật đã tiến bộ hơn nhưng cách đây 5 năm thì đó là một công việc khổng lồ”.

Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nếu không sử dụng kỹ thuật số hóa thì trong quá trình phát triển sẽ không có những tri thức trực quan như vậy để hiểu biết xa hơn về thời kì trước nữa. Ngoài ra, để số hóa các ngôn ngữ dân tộc Việt Nam, các nhà nghiên cứu phải thực hiện quy trình bao gồm rất nhiều công đoạn. Trước tiên phải tìm hiểu về các dân tộc và loại ngôn ngữ mà họ sử dụng, trực tiếp đến vùng dân tộc đó ban đầu chỉ là để thu âm, ghi chép tiếng nói, về sau sử dụng băng từ. Sau những chuyến đi điền dã, các nhà nghiên cứu sẽ thu được những file ghi âm tiếng nói, chuyện kể, bài hát… của dân tộc đó và quay trở lại gắn nhãn bằng việc cắt âm. Âm sẽ được gắn tương ứng với các từ của tiếng Việt, tiếng nước ngoài, đặt âm đó trong tổng số câu…

2. Trong số những ngôn ngữ được ghi âm, số hóa và công bố mới đây, đáng chú ý, có một số ngôn ngữ đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất. GS.TS Trần Trí Dõi cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã số hóa được những ngôn ngữ thuộc vào diện rất ít người, có nguy cơ bị mất, ví dụ như tiếng Rục, tiếng A Rem, tiếng Mã Liềng, tiếng Cuối... Trong thuật ngữ của giới ngôn ngữ học quốc tế và giới nhân học gọi đó là những ngôn ngữ đang có nguy cơ bị biến mất”. Cụ thể như với ngôn ngữ A Rem, GS Michel Ferlus và GS.TS Trần Trí Dõi đã lặn lội thực hiện điền dã ở Quảng Bình trong nhiều thời gian và hoàn thành kho tư liệu với hơn 1.000 từ vựng. Những ghi âm được thực hiện từ chính nơi ở của người A Rem với âm thanh của người A Rem. Một ngôn ngữ khác là tiếng Ơ Đu. Theo GS.TS Trần Trí Dõi, trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, người Ơ Đu đã gần như mất tiếng nói, người ta phải dùng tiếng nói của dân tộc khác để giao tiếp. 

Vấn đề “ngôn ngữ chết” hay “ngôn ngữ biến mất” không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đã từng xảy ra ở các dân tộc trên thế giới. Theo GS Trần Trí Dõi, nếu xét trên toàn thế giới, từ thế kỷ 19 đến nay, có khoảng gần 2.000 ngôn ngữ đã biến mất. Riêng ở Australia đã mất đi khoảng 300 ngôn ngữ. Ngôn ngữ của một số dân tộc bị biến mất là một xu thế không thể ngăn cản được. GS Trần Trí Dõi lấy ví dụ, bây giờ, nếu như dạy ngôn ngữ cho một người Rục thì họ có thể giao tiếp được trong cộng đồng của họ. Nhưng khi mình dạy cho họ học tiếng Việt, để họ phát triển bình đẳng với người Việt, thì khi quay về họ sẽ có tâm lý là ít sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Trong một dân tộc nhỏ, ở cạnh một dân tộc thiểu số khác lớn hơn, chẳng hạn như người Ơ Đu sinh sống cạnh người Thái, thì khi nào già họ mới nghĩ rằng mình cần giữ lại tiếng Ơ Đu, còn khi trẻ thì họ vẫn nói tiếng Thái- nói tiếng có thể lấy vợ lấy chồng.

Bên cạnh những dữ liệu do GS Michel Ferlus nghiên cứu, gần đây, TS Alexis Micheaud (Viện Nghên cứu Quốc tế MICA và LACITOCNRS) cũng đã hoàn thiện nghiên cứu 2 ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam và bổ sung vào kho tư liệu số hóa ngôn ngữ. Đó là tiếng Phunoi và Phong Nha. Ở Việt Nam, cộng đồng nói ngôn ngữ Phunoi chủ yếu là người Cống, sống nhiều ở Mường Tè (Lai Châu); còn tiếng Phong Nha là một ngôn ngữ “không chính thức” của tiếng Việt do người dân ở vùng Bố Trạch (Quảng Bình) nói.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 14/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi