Tỉnh Lâm Đồng có khoảng 24,8% dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cùng sinh sống. Thời gian qua, Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, vì vậy, qua 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng ĐBDTTS giảm nhanh và chỉ còn dưới 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng vào năm 2014.
Chương trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao chất lượng sống của bà con DTTS |
Giai đoạn 2010-2015, tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển KT-XH và ban hành các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng ĐBDTTS theo từng giai đoạn. Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 19/10/2010 của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nêu rõ những mục tiêu cụ thể và phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó xác định tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đối với người nghèo và ĐBDTTS; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, cải thiện đời sống và đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS (đặc biệt là người DTTS gốc Tây Nguyên) và coi đây là hướng đột phá trong việc đầu tư toàn diện vùng ĐBDTTS.
5 năm qua, Lâm Đồng đã tập trung vốn gần 693,5 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho các chương trình, dự án vùng ĐBDTTS. Thực hiện Chương trình 135, tỉnh đầu tư 355,664 tỷ đồng, hỗ trợ cho 8.386 hộ/213 ha giống cây trồng các loại; 821 vật nuôi; 478 máy nông cụ phục vụ sản xuất; 2.064 tấn phân bón; mở 31 lớp/850 người tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn trên 46,780 tỷ đồng (vốn địa phương 1,5 tỷ đồng) để đầu tư xây mới và nâng cấp sửa chữa 54 công trình nước sinh hoạt tập trung, phục vụ cho hơn 3.585 hộ; khai hoang trên 77 ha đất sản xuất cấp cho 229 hộ; hỗ trợ 281 hộ mua sắm nông cụ... Toàn tỉnh hiện có 21 dự án định canh định cư (ĐCĐC) (8 tập trung và 13 xen ghép) với tổng nhu cầu vốn 149,714 tỷ đồng để đầu tư bố trí cho 1.171 hộ/6.002 khẩu. Đến nay, với kinh phí được bố trí 61,869 tỷ đồng (41,39% KH) đã cơ bản hoàn thành 8 dự án, bố trí cho 562 hộ/2.885 khẩu, đạt 45,4%. Năm 2015, ngân sách Trung ương bố trí 16,700 tỷ đồng tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm hỗ trợ gần 39,7 tỷ đồng cho 24.532 học sinh, sinh viên là người DTTS… Cùng với lắp đặt các trạm truyền thanh, cụm loa phát thanh, cấp dầu lửa, muối iot và giống cây trồng; hằng năm, các địa phương tổ chức bầu chọn người uy tín trong vùng ĐBDTTS để thực hiện chính sách hỗ trợ cấp báo, tạp chí DTTS, tham quan học hỏi kinh nghiệm, thăm hỏi động viên, tập huấn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 5 năm, có 2.037 người uy tín trong vùng ĐBDT được bầu chọn, có 4.177 hộ được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 33,415 tỷ đồng.
Đối với chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, tại huyện Đam Rông, ngân sách Trung ương đầu tư 181,7 tỷ đồng xây dựng 15 công trình giao thông, 6 công trình thủy lợi, 1 trung tâm dạy nghề, 2 trạm ươm cây giống. Các doanh nghiệp hỗ trợ 112,3 tỷ đồng xây dựng 22 trường học, 6 trạm y tế, 1 chợ, 2 nhà văn hóa và 3 dự án nhà ở cho đồng bào di cư tự do. Toàn huyện có 4.000 lượt người được hỗ trợ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất các cây trồng, vật nuôi mới, gần 1.000 hộ được đầu tư trồng 1.100 ha rừng. Tại các huyện, thành phố khác, Lâm Đồng vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 30a, đã mở rộng địa bàn triển khai Nghị quyết đến 29 xã, 79 thôn nghèo trong tỉnh theo cơ chế tỉnh hỗ trợ cho các xã nghèo; các huyện, thành phố đầu tư, hỗ trợ cho các thôn nghèo, khó khăn. Tỉnh cũng thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với các hộ nghèo và cận nghèo ở các xã nghèo phù hợp với nhu cầu người dân; cân đối ngân sách địa phương đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ các xã nghèo, thôn nghèo. Tại các xã và thôn nghèo đã có 4.500 hộ được giao khoán bảo vệ rừng, trồng mới 1.200 ha rừng, cây cao su; hỗ trợ phân bón, vật tư, máy nông nghiệp cho 24.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo; khai hoang, phục hóa 575 ha đất; 3.655 hộ được hỗ trợ vật nuôi, chuồng trại; 200 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; có trên 800 người được hỗ trợ học nghề.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Lâm Đồng huy động 33,581 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư phục vụ sản xuất. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 117/117 xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó, 43 xã đạt tiêu chuẩn NTM (chiếm 36,8%); 24 xã đạt 15-18 tiêu chí; 35 xã đạt 10-14 tiêu chí; 15 xã đạt 7-9 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã.
Qua đầu tư phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS ở Lâm Đồng có thể rút ra một số bài học quan trọng: Trước hết, việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải phù hợp tình hình thực tế của địa phương, từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể đến từng đối tượng và xác định rõ hạng mục đầu tư. Thứ hai, sự phối kết hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc lồng ghép chính sách trên địa bàn phải đồng bộ, liên tục, chặt chẽ; kịp thời tham mưu bổ sung, sửa đổi những chính sách phù hợp với thực tế, tạo nguồn lực đầu tư có hiệu quả. Thứ ba, phải phát huy dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc của đồng bào, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát huy ý thức tự giác trong đời sống và trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Thứ tư, coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín như già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ. Bài học thứ năm là phải tập trung nguồn lực đầu tư, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ĐBDTTS.
Nguồn: baolamdong.vn, ngày 31/8/2016