Chủ Nhật, 29/12/2024
Dân tộc thiểu số, hộ nghèo miền núi tỉnh Bắc Giang: Nhận hỗ trợ, thêm … khó khăn

Trồng rừng, chăn nuôi đều gặp khó

Năm 2005, thực hiện dự án khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ (dự án Đức), gia đình ông Phùn Văn Coòng, dân tộc Dao, thôn Nghẽo, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) góp đất cùng hai hộ khác trong thôn trồng hơn 1,5 ha trám. Dự án do Lâm trường Sơn Động 2 (nay là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơn Động) cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý. Hằng năm, cán bộ Lâm trường kiểm tra, nghiệm thu, chi trả tiền công. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, cây trám sinh trưởng, phát triển kém buộc gia đình phá bỏ trồng keo. Đầu năm nay, trong thôn có 38 hộ tự ý chuyển đổi hàng chục ha rừng trám hơn 10 năm tuổi. 

Ông Phùn Văn Lý, Trưởng thôn Nghẽo xác nhận, trám không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân đã nhiều lần đề nghị UBND xã cho phép chuyển đổi nhưng không được chấp thuận. Biết tự ý phá bỏ cây trám là lãng phí công sức lao động, thậm chí bị phạt số tiền lớn nhưng có hộ vẫn chặt bỏ để chuyển sang trồng keo. Từ năm 2003 đến 2013, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơn Động đã hỗ trợ hơn 60 hộ dân các xã Yên Định, Tuấn Đạo, Bồng Am, Thanh Sơn, Thanh Luận, Tuấn Mậu trồng, chăm sóc hàng trăm ha trám nhưng đến nay nhiều diện tích đã thay thế bởi cây ăn quả, bạch đàn, thông, keo gây lãng phí lớn. 


 Rừng trám hơn 10 năm tuổi bị các hộ thôn Nghẽo, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) phá bỏ do phát triển chậm

Từ năm 2001 đến 2008, thực hiện chủ trương trồng mới 5 triệu ha rừng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã giải ngân gần 32 tỷ đồng cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn vay ưu đãi đầu tư cho các hộ dân trồng rừng. Đến nay các công ty vẫn nợ gần 10 tỷ đồng, không trả được nợ gốc, lãi phát sinh, các đơn vị, hộ dân đang phải chịu mức phạt lãi quá hạn lũy tiến của ngân hàng…

Không chỉ các dự án trồng rừng, cây ăn quả, một số dự án hỗ trợ vật nuôi cũng có tình trạng tương tự. Năm 2015, gia đình chị Nguyễn Thị Lê, thôn Gia Bình, xã Đồng Hưu (Yên Thế) nhận hỗ trợ hai con lợn giống từ Chương trình 135 nhưng nuôi chưa đầy 10 ngày lợn lăn ra chết. Sau đó chị được đơn vị cung ứng giống “đền” hai con khác nhưng chúng cũng chẳng sống được bao lâu. Cùng nhận hỗ trợ đợt này, xã Đồng Hưu có 48/200 con ốm chết. Toàn huyện có 70/700 con lợn diện được hỗ trợ đã chết, số còn lại còi cọc, sinh trưởng kém. 

Những ngày này, chị Đàm Thị Cúc, dân tộc Nùng, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) khá mệt mỏi với đàn gà mới được hỗ trợ. Hơn một tháng trước, gia đình được UBND xã cấp 41 con gà giống theo Chương trình 135 nhưng chỉ vài ngày, gà ủ rũ, bỏ ăn rồi chết. Ngay cả đàn chim bồ câu của gia đình cũng bị lây bệnh khiến gia đình thiệt hại. 

Những hạn chế, bất cập trên khiến nhiều hộ dù được hưởng chính sách hỗ trợ song thời gian dài vẫn chưa thể cải thiện thu nhập. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc là một trong những hộ nghèo nhất thôn, những năm gần đây được hỗ trợ nhiều loại con giống để thoát nghèo. Đáng tiếc là đa phần đều ốm chết, vài con gà sót lại không đủ bù tiền mua cám, điện sưởi ấm, thuốc thú y trị bệnh... Không những chẳng thoát nghèo, gia đình còn gánh thêm khoản nợ.

Giống kém, mô hình chưa phù hợp

Từ mục đích ban đầu là hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế song nhiều dự án có tác dụng ngược. Nhận định về nguyên nhân, đến nay vẫn còn những ý kiến trái chiều. Các hộ thụ hưởng dự án khẳng định cây giống, vật nuôi kém chất lượng, đề kháng yếu nên không thể sinh trưởng, phát triển. Trong khi đó, một số đơn vị triển khai dự án hỗ trợ lại cho rằng người dân trình độ thấp, chưa quan tâm ứng dụng KHKT; không coi trọng cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ với tâm lý đây là của cho không, bỏ đi không tiếc... 

Một cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động (đề nghị giấu tên) thẳng thắn: “Khi thực hiện các dự án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo, DTTS theo các Chương trình 135, 30a, xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ, đơn vị rất lo lắng bởi nhiều trường hợp đã được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ nhưng bà con không thực hiện theo. Vật nuôi được nhập tại các trung tâm giống có đầy đủ cơ sở vật chất, lúc đưa về thôn, bản, các gia đình chỉ che tạm chiếc bạt cũ. Sau khi cấp giống, nhà cung cấp đều cam kết trong 10 ngày, nếu vật nuôi mắc bệnh sẽ được cấp đổi nhưng khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra, nhiều hộ đã thịt và chế biến xong nên khó xác định nguyên nhân". 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, kinh nghiệm triển khai các dự án hỗ trợ người nghèo, DTTS thời gian qua cho thấy bên cạnh nguyên nhân chất lượng cây, con giống kém, công tác quản lý dự án còn yếu, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ, hướng dẫn của Nhà nước, cơ quan chức năng nên không quan tâm chăm sóc, bảo vệ khiến nhiều diện tích cây trồng, mô hình chăn nuôi phát triển kém. 

Mới đây, tại hội nghị tổng kết thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2011-2015, Ban Dân tộc tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục thực trạng yếu kém như các cán bộ, công chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần nắm vững nhu cầu của các hộ dân, khi triển khai dự án xây dựng mô hình điểm, tập huấn kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời hướng dẫn các hộ chăm sóc, khắc phục sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ cũng cần có sự đối ứng của các hộ bằng những việc làm cụ thể như đầu tư chuồng trại, bỏ tiền mua thêm cây giống, vật nuôi giúp người dân có trách nhiệm hơn với tài sản của mình.

Nguồn: baobacgiang.com.vn, ngày 23/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi