Chủ Nhật, 29/12/2024
Mô hình thoát nghèo bền vững của đồng bào các huyện miền núi Quảng Nam

Ông Đinh văn Qua, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho hay: Khu tái định cư Phước Thành có tổng diện tích hơn 2,5 ha đã được Nhà nước đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu nhằm đón 45 hộ đồng bào sinh sống ở những khu vực thường xuyên có nguy cơ bị sạt lở đất trong mùa mưa lũ đến tái định cư ổn định lâu dài. Cùng với việc bố trí đất ở, địa phương cũng đã hoàn thành việc giao đất sản xuất, khoán rừng cho đồng bào sản xuất và khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Với địa hình miền núi cao, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để phát triển kinh tế trang trại, trong mấy năm qua, các mô hình kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập cao đã được đồng bào dân tộc ở huyện Phước Sơn tích cực đầu tư phát triển. Các mô hình này đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Để thực hiện những mô hình này, sau khi ổn định cuộc sống nơi ở mới, địa phương đã cử ra Ban đại diện thay mặt bà con làm việc với đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng cây nguyên liệu cũng như hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn, quản lý nguồn vốn sao cho đúng mục đích và có hiệu quả.


 Cây cao su phát triển mạnh ở huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam

Với cách làm này, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, xã Phước Thành có 439 hộ đồng bào thành lập 8 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền gần 10 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được 22,7 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình trong số các hộ gia đình vay vốn làm ăn có hiệu quả trong năm 2016 là gia đình các anh Hồ Văn Sơn vay 50 triệu đồng,  Hồ Văn Vừa thôn 1A vay 15 triệu đồng, Hồ Văn Phong thôn 1B vay 25 triệu trồng để trồng quế và nuôi bò, nhờ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đến nay đã thoát khỏi hộ nghèo. Bên cạnh đó, hàng chục hộ khác đã xây dựng được các mô hình kinh tế trang tại quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện canh tác và tập quán của địa phương.

Khu tái định cư thôn 1A xã Phước Thành chỉ là một trong nhiều công trình sắp xếp bố trí dân cư của 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đang được triển khai thực hiện. Trong số các chương trình cho vay ưu đãi, nhóm các chương trình cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay nhằm mục tiêu cải thiện sinh kế bền vững gắn với các dự án sắp xếp bố trí dân cư sinh sống tập trung được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện trong mấy năm qua là những chương trình mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả nên trong tổng dư nợ trên 1.400 tỷ đồng được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam giải ngân cho hộ đồng bào các dân tộc vay trong mấy năm qua, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04%.

Điều đáng mừng hơn nữa là các mô hình sinh kế bền vững gắn với cuộc sống định canh định cư đã trở thành nền tảng trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, kéo gần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số không những thoát khỏi nghèo đói mà còn có cơ hội để từng bước sản xuất ra sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp ngay trên quê hương mình, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với địa hình đồi núi dốc, chia cắt, dân cư sống phân tán, nên những đầu tư ban đầu của nhà nước về cơ sở hạ tầng cũng như nguồn vốn cho hộ đồng bào vay nhằm tạo sinh kế bền vững, ổn định lâu dài mới chỉ giải quyết được một phần so với yêu cầu thực tiễn. 

Về vấn đề này, ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ: Những xã nằm giáp biên giới, xã mới chia tách năm 2011 theo Nghị định của Chính phủ, hiện nay vẫn còn khó khăn. Điển hình như xã Chơ Chun chỉ mới thông đường công vụ đến xã, mới triển khai xây dựng trạm y tế, còn trụ sở làm việc, trường học gần như chưa có, thông tin liên lạc vô cùng khó khăn. Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn khó khăn, dân cư sống phân tán như hiện nay thì việc đầu tư của nhà nước để đảm bảo cho người dân tiếp cận đầy đủ các hạ tầng thiết yếu và dịch vụ cơ bản là nỗ lực lớn. Vì vậy, tập trung dân cư nhằm tái định cư ổn định lâu dài gắn với việc hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật, đất sản xuất để đồng bào có thêm việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế vườn rừng là những ưu tiên hàng đầu hiện nay của huyện Nam Giang.

Khó khăn của huyện Nam Giang cũng chính là khó khăn chung của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam trong nỗ lực tạo sinh kế bền vững cho đồng bào gắn liền với định canh định cư. Trong nỗ lực tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, mô hình trang trại vườn rừng quy mô vừa và nhỏ - được xem như là mô hình thoát nghèo bền vững cho đồng bào cần được nhân rộng./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 5/8/2016

 

 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi