Chủ Nhật, 29/12/2024
Lạng Sơn chú trọng đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số
 
Học sinh Trường THCS bán trú Hải Yến (Cao Lộc, Lạng Sơn) tham gia
giao lưu bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc Nùng

Những năm qua, nhờ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và quy mô của hệ thống Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã chuyển đổi hơn 90 trường sang PTDTBT, đạt 102% kế hoạch, tăng sáu trường so với năm học 2014- 2015. Học sinh vùng đặc biệt khó khăn đều được hỗ trợ gạo, sách vở, miễn và giảm chi phí học tập; hằng năm, thu hút hàng nghìn con em đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng khó khăn đến trường.

Tại xã vùng cao Nhất Tiến (huyện Bắc Sơn), cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Nhất Tiến cho biết: Nhờ nguồn vốn Chương trình 135, trường được xây mới ba phòng học, bếp ăn và nhà công vụ, tỷ lệ đến lớp của học sinh luôn đạt 98%, chất lượng giáo dục nâng lên. Để đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách thực hiện chế độ cử tuyển đối với học sinh là người DTTS vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đối với lĩnh vực dạy nghề, tỉnh chú trọng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, gắn kết với thực tiễn sản xuất và hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ năm học 2005-2006, tỉnh thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh DTTS nội trú và duy trì dạy nghề đối với học sinh trung học phổ thông bán trú. Hiện nay, tỉnh có Trường cao đẳng dạy nghề Lạng Sơn (tiền thân là Trường trung cấp nghề Việt- Đức), đây là cơ sở giáo dục công lập, đào tạo ba cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề; ngoài ra, thực hiện việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề theo yêu cầu hợp tác, liên kết đào tạo…

Ở 11 huyện và thành phố trong tỉnh đều có các trung tâm dạy nghề, các cơ sở dạy nghề luôn đổi mới công tác tuyển sinh, thông tin kịp thời đến xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục phổ thông, tạo thuận lợi cho con em các dân tộc tiếp cận học nghề phù hợp từng địa bàn, từng đối tượng… Trong quá trình học tập tỉnh đều có cơ chế hỗ trợ, như giảm học phí đối với con em DTTS.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn Triệu Văn Lạng khẳng định: Nhờ các cơ chế, chính sách linh hoạt, những năm qua, tỉnh đã có hàng nghìn lượt con em học sinh DTTS được đến trường, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Hầu hết các đoàn viên, thanh niên là con em các dân tộc được đào tạo nghề, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 27/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi