Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã tích cực chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện tốt công tác dân vận, kịp thời chuyển tải nội dung chủ trương, kế hoạch thực hiện nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc, nhằm nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) tuyên truyền, vận động người dân bản Vịn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. |
Theo đó, hệ thống dân vận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền thường xuyên quan tâm đến việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc, miền núi. Đồng thời nắm bắt những diễn biến tâm tư, tình cảm và những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản để có biện pháp tham mưu cho cấp ủy giải quyết hợp lý. Đặc biệt, ở khu vực biên giới công tác dân vận đã tăng cường phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức vận động đồng bào thay đổi tập quán lạc hậu, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống lúa lai, phân nén dúi sâu vào canh tác nâng cao giá trị trên cùng diện tích. Nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc, miền núi triển khai đạt hiệu quả, thông qua nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo như: Nghị quyết 30a, 134, 135 của Chính phủ, 7 huyện nghèo trong tỉnh được đầu tư xây dựng 802 công trình điện lưới, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt lớn, trường học, trạm y tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khu vực miền núi, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10,2%, thu nhập bình quân đầu người 19,1 triệu đồng/năm, lương thực bình quân đầu người đạt 436 kg/người, tăng 1,4%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 18,12%, 100% số xã có trạm y tế, điện lưới quốc gia và đường giao thông đến trung tâm xã; 100% dân số được nghe sóng phát thanh, 80% dân số được dùng nước hợp vệ sinh; 82% phòng học được kiên cố hóa. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, diện mạo các thôn, bản vùng cao ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế như: Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở một số nơi còn hình thức; giải quyết những bức xúc trong đồng bào còn chậm, chưa thỏa đáng. Công tác nắm bắt, tổng hợp, dự báo tình hình vùng đồng bào dân tộc, miền núi còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc, công tác dân tộc ở một số địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.
Để thực hiện tốt công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho cấp ủy triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đẩy mạnh công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác dân vận; chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình nhân dân; kịp thời báo cáo và tham mưu giải quyết tốt các vấn đề phát sinh phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào có đạo; xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống ngay từ cơ sở. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền, lực lượng vũ trang trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh.
Nguồn: baothanhhoa.vn, Minh Hiếu, 20/7/2016