Cùng với hệ thống trường, lớp học ngày càng được hoàn thiện, trong những năm qua, tỉnh ta đã luôn quan tâm, chú trọng phát triển giáo dục dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con, em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số cho địa phương.
|
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lâm Bình, Tuyên Quang được đầu tư xây dựng khang trang,
đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số trong huyện |
Bà Trần Thu Nga, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Giáo dục Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trong đó có 5 trường PTDTNT THCS, 1 trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT, 1 trường PTDTNT THPT tỉnh với 2.161 học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Các trường đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ giáo viên có chuyên môn, yêu nghề, gắn bó với học sinh nhằm tạo mọi điều kiện cho các em được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất.
Cô giáo Đỗ Thị Vân Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương cho biết, là trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT có địa bàn tuyển sinh rộng, gồm các xã ATK Sơn Dương và Yên Sơn. Nhà trường đã được đầu tư dần hoàn thiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Năm 2014, trường được đầu tư xây dựng nhà lớp học 2 tầng khang trang với 14 phòng học, nhà hiệu bộ và nhà ở nội trú cho học sinh. Vì vậy, các em đã được tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, chỗ ở và những điều kiện sinh hoạt cần thiết nhất. Bên cạnh đó, các em còn được hỗ trợ chi phí học tập, trang cấp sách, vở, bút viết… Nhờ đó, chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên. Năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi của trường đạt 6,8%, học lực khá đạt 65,5%, không có học sinh đạt học lực yếu; 98% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt.
Tỉnh còn chú trọng phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các trường phổ thông có học sinh bán trú để tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được học tập đầy đủ. Đến nay, toàn tỉnh có 69 trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú. UBND các huyện đã tích cực đầu tư, củng cố nhà ở và các công trình phụ, bếp ăn cho học sinh bán trú, bảo đảm đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hệ thống trường PTDTBT cơ bản được đầu tư đáp ứng yêu cầu dạy và học, năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 180 phòng ở bán trú, tăng 43 phòng so với năm học trước; 18 trường PTDTBT có bếp ăn tập thể cho học sinh, trong đó có 2 trường có bếp ăn kiên cố; các trường có 1.191 giường nằm cho trên 2.400 học sinh, tăng 198 giường so với năm học trước.
Thầy giáo Dương Thành Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết, trường chuyển thành trường PTDTBT từ năm học 2012 - 2013. Đến nay, các điều kiện về chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt cho học sinh bán trú đều được trang bị đầy đủ. Hằng ngày, các em học chính khóa trên lớp, buổi chiều và buổi tối lên lớp tự học có thầy, cô giáo hướng dẫn. Các chi phí học tập, ăn, ở đều được Nhà nước hỗ trợ 100%. Năm học 2015-2016, trường có 446 học sinh, trong đó có 190 học sinh bán trú. Năm học này, theo kế hoạch, trường tuyển sinh hơn 200 học sinh bán trú là con, em các dân tộc trên địa bàn xã. Có con, em được học tập tại trường, các bậc phụ huynh đều rất yên tâm, có thời gian chăm lo phát triển kinh tế và tham gia công tác xã hội.
|
Một giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình, Tuyên Quang
|
Các trường nội trú, bán trú đang từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh giỏi và học sinh năng khiếu. Năm học 2015 - 2016, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh có 109 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, trong đó có nhiều học sinh đoạt giải cao; năm 2016, trường có 175 học sinh khối 12 đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS của các huyện đều là những đơn vị dẫn đầu trong khối các trường THCS trên địa bàn. Đặc biệt, các trường đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thành lập các câu lạc bộ như: Đội văn nghệ Trường PTDTNT THPT tỉnh, Câu lạc bộ hát Then Trường PTDTNT huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang.
Xác định phát triển hệ thống giáo dục dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất của các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng là người dân tộc thiểu số cho địa phương./.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 5/8/2016