Thứ Năm, 26/12/2024
Đảm bảo quyền phát triển bình đẳng của các dân tộc thiểu số

Nhu cầu từ thực tiễn

Từ khi đổi mới đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó có một số quy định liên quan đến việc hỗ trợ phát triển vùng DTTS miền núi. Các văn bản này đã phát huy tác dụng nhất định trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào có giá trị pháp lý ở cấp độ luật quy định riêng về vấn đề này.


 Luật Hỗ trợ và phát triển vùng dân tộc miền núi sẽ góp phần đảm bảo quyền phát triển bình đẳng của DTTS

Theo thống kê của UBDT, hiện có khoảng 66 luật và hơn 200 văn bản dưới luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, từ đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đến an ninh và quốc phòng… vùng DTTS và miền núi. Trong số các văn bản quy phạm pháp luật chuyên về công tác dân tộc, chỉ có Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, các văn bản còn lại chủ yếu dưới dạng thông tư hoặc quyết định phê duyệt các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển, chủ yếu mang tính chất quản lý, điều hành việc thực hiện, triển khai các dự án, chương trình đầu tư, hỗ trợ cụ thể. Hơn nữa, do là văn bản dưới luật nên tính ổn định không cao, lại được nhiều chủ thể ban hành nên có sự chồng chéo, cơ chế phối hợp thực hiện chưa rõ, nên việc triển khai chính sách hỗ trợ vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

 Trong khi đó, lĩnh vực dân tộc có tính đặc thù là liên ngành, đa lĩnh vực chi phối nội dung của chính sách dân tộc, các chính sách dân tộc liên quan đến nhiều vấn đề mà nhu cầu phát triển của cộng đồng đặt ra (kinh tế, văn hóa, xã hội, con người...) nên gặp nhiều khó khăn trong hoạch định, xây dựng chính sách.

Đáng chú ý, qua kết quả điều tra kinh tế, xã hội 53 DTTS năm 2015 cho thấy, nhiều vấn đề nổi lên đáng lo ngại như tỷ lệ hộ nghèo lên tới 23,1%, cận nghèo 13,6%, cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ tảo hôn ở DTTS là 26,6%; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 20,8%...

Tiến sĩ Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật về vấn đề này. Tiến sĩ Tỵ khuyến nghị: “Nếu chúng ta thông qua được luật này thì bên cạnh việc lấp đầy khoảng trống về lĩnh vực quản lý Nhà nước, sẽ tạo lập một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc thực hiện các quy định có liên quan đến đầu tư và phát triển đối với vùng DTTS của các “đạo luật” chuyên ngành; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội phân bổ một nguồn vốn cố định hằng năm theo tỷ lệ % của ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, luật này sẽ góp phần điều phối các hoạt động đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS một cách thống nhất, tập trung và khắc phục sự dàn trải”.

Đảm bảo thực hiện các điều ước quốc tế

Thạc sĩ Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta đang đứng giữa thời cơ và thách thức đối với vấn đề dân tộc”. Ông cho biết thêm: “Vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập đang đặt ra cho các quốc gia đa dân tộc phải nắm bắt và xử lý được những vấn đề cơ bản mà thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn như quan hệ đa chiều giữa các tộc người trong phạm vi quốc gia; vấn đề phát triển bền vững; sự so sánh giữa mức độ phát triển của các dân tộc  trong một quốc gia…

Với những thách thức nêu trên, việc xem xét ban hành Luật Hỗ trợ và Phát triển vùng DTTS và miền núi sẽ khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc. Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực dân tộc mà Việt Nam là thành viên”.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết: Tuyên bố quyền của những người thuộc DTTS hoặc chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ thiểu số năm 1982; Tuyên ngôn về đa dạng văn hóa năm 2001; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Công ước chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp năm 1958…

Thạc sĩ Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBDT, chia sẻ thêm: Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, việc ban hành một đạo luật về chính sách dân tộc là cần thiết. Hiện nay, một số quốc gia đa dân tộc đã ban hành luật về dân tộc, trong đó, quy định các chính sách hỗ trợ cho người DTTS như Luật về DTTS Cộng hòa Séc năm 2001; Luật về quyền của người DTTS Crô-a-ti-a năm 2002; Luật DTTS của U-crai-na năm 1992; Luật về quyền của dân tộc và DTTS của Hung-ga-ri năm 1993… Chính nhờ hệ thống luật này mà tình hình ở các quốc gia trên cơ bản ổn định, các dân tộc hỗ trợ nhau cùng phát triển”.

Ở một góc độ khác, theo Tiến sĩ Phạm Quý Tỵ, việc ban hành Luật còn góp phần rất quan trọng trong đấu tranh chống lại các tư tưởng phân ly hoặc hành động cố kết lại với nhau thành những cộng đồng chung tộc người, tôn giáo, diễn ra dưới tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lịch sử, nhằm chống lại đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Ông nhấn mạnh: “Việc ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn này bằng pháp luật là một giải pháp hợp pháp, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay. Giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo trên cơ sở pháp luật sẽ làm cho các thế lực thù địch và phản động không có cớ để chống phá chế độ bằng cách lợi dụng vấn đề dân tộc”.

Nguồn: bienphong.com.vn, 15/6/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi