Thứ Năm, 26/12/2024
Đem "ánh sáng" đến với đồng bào dân tộc thiểu số

 Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến hướng dẫn các học viên làm bài tập trên lớp

Là cán bộ vận động quần chúng, luôn bám dân tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nguyễn Sỹ Tiến hiểu và luôn trăn trở về thực trạng mù chữ, tái mù chữ của bà con địa bàn đơn vị quản lý. Việc bà con không biết chữ là trở ngại lớn trong tiếp cận các chính sách, pháp luật và các vấn đề xã hội, lại dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự thôn bản. Từ suy nghĩ đó, anh đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, mở các lớp học xóa mù chữ do mình đứng lớp để giải quyết dứt điểm tình trạng mù chữ và tái mù chữ cho bà con.

Khi chủ trương được chỉ huy đơn vị thông qua, Tiến phải bắt tay giải quyết một "núi" những khó khăn. Trước mắt là việc anh chưa được đào tạo qua trường lớp về nghiệp vụ sư phạm, sự am hiểu phong tục tập quán, việc nói tiếng dân tộc còn hạn chế. Thêm vào đó, người học lại là những phụ nữ luôn bận rộn với công việc nương rẫy, nội trợ và sự mặc cảm... "Muốn giải quyết được khó khăn, tôi đã gõ cửa các nhà trường trên địa bàn, tìm đến những giáo viên đã có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác xóa mù chữ để nhờ họ "bật mí" kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, xây dựng chương trình giảng dạy, biên soạn giáo án phù hợp với đặc điểm từng nhóm học viên. Mặt khác, giải quyết tốt việc bất đồng ngôn ngữ, tôi không ngừng học tập tiếng dân tộc để có thể giảng dạy lưu loát "song ngữ" cho học viên để nâng cao hiệu quả bài giảng" - Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến bộc bạch.

Bên cạnh đó, để tuyên truyền các học viên đến lớp đều đặn, Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến dựa vào những người có uy tín và các gia đình gương mẫu, có truyền thống hiếu học để vận động thuyết phục, vận động chị em; vận động chồng con trong gia đình họ xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho chị em tham gia học tập. Do điều kiện của chị em vừa học, vừa phải chăm lo gia đình, làm kinh tế nên các lớp học xóa mù chữ được tổ chức từ 19 - 22 giờ, các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, mỗi lớp kéo dài từ 6 đến 8 tháng. Anh Tiến tâm sự: "Cái khó nhất trong công tác xóa mù chữ là vận động được các học viên đến lớp và duy trì được sĩ số từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc. Tuy thời khóa biểu là như vậy, những giờ học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, ngày mùa, một số bản chưa có điện lưới nên việc bố trí thời gian học phải linh hoạt mới đem lại hiệu quả". 

Ngày bám bản, tối bám lớp, khoảng thời gian duy nhất để Tiến soạn giáo án là vào lúc đêm muộn. Vất vả là vậy, nhưng anh vẫn luôn nhiệt huyết với công việc. Trong quá trình giảng dạy phải gần gũi chia sẻ động viên học viên, mỗi khi họ ngại học hoặc kêu khó thì phải bình tĩnh, ân cần, chỉ bảo đến từng người. Với sự nỗ lực không ngừng, chỉ trong một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của đơn vị, đồng đội và chính quyền địa phương, anh đã lần lượt cho "ra lò" 4 lớp học với gần 200 học viên, kết thúc khóa học 100% học viên đều đọc thông, viết thạo.

Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến chia sẻ: "Người làm công tác xóa mù chữ phải thật sự tâm huyết, đam mê với công việc, biết nói tiếng dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào và đặc biệt phải chịu khó bám dân, bám học viên và có sự chia sẻ đồng cảm cùng người học. Trong các buổi lên lớp, tôi đã kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng dân tộc làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ hơn, tạo không khí sôi động trong các buổi học để học viên hứng thú học tập, thu hút được đông đảo học viên ở mọi lứa tuổi hăng say học tập".

Chị Vi Thị Chợi (bản Chiên Pục, xã Tén Tằn) tâm sự với chúng tôi rằng: "Mù chữ khổ lắm. Ngày xưa cuộc sống sinh hoạt chỉ loanh quanh trong bản, nhưng nay điều kiện đường sá đi lại dễ dàng, nhiều lúc đi giao thương tiếp xúc với bên ngoài, mình không có chữ không khác gì người mù. Giờ biết đọc, biết viết rồi không ngại đi đâu, có thể vận chuyển nông sản xuống thị trấn Mường Lát hoặc thành phố Thanh Hóa bán mà không sợ lạc đường.... Cảm ơn thầy giáo Tiến nhiều lắm!".

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Chính trị viên Đồn BPCK Tén Tằn cho biết, đối với Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến, việc dạy chữ cho bà con không còn là nhiệm vụ nữa mà đó là tình cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào nghèo. Việc làm của đồng chí Tiến không chỉ đem ánh sáng tri thức cho đồng bào, mà còn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên biên giới Tén Tằn...

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong năm 2015-2016, Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, năm 2015, Trung úy Nguyễn Sỹ Tiến là một trong 5 gương mặt điển hình của lực lượng BĐBP và vinh dự cùng đoàn đại biểu ngành giáo dục dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.../.

Nguồn: bienphong.com.vn, ngày 7/4/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất