Trong đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XIV - 2017, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các địa phương đã để lại ấn tượng đẹp. Các loại nhạc cụ đa dạng, độc đáo, những loại hình dân ca, dân vũ được biểu diễn sinh động, cuốn hút người xem.
|
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đoàn huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định
|
Nét mới trong phần thi nghệ thuật truyền thống trong Ngày hội năm nay là Ban tổ chức yêu cầu các tiết mục hát, múa trong chương trình của các địa phương tham gia phải sử dụng nhạc đệm hoàn toàn bằng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Hay và mới
Nhờ vậy, khán giả được thưởng thức nhiều cung bậc âm thanh trầm bổng, réo rắt của nhiều loại nhạc cụ đa dạng, độc đáo mang đậm “giai điệu núi rừng” của đồng bào Bana, Chăm H’roi, H’rê. Các chương trình hòa tấu nhạc cụ truyền thống của các đoàn Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão... với tiếng cồng, chiêng vang vọng, tiếng đàn t’rưng có lúc nghe như tiếng suối róc rách, tiếng rừng tre nứa xào xạc trong gió, đàn pơ lơn khơn trầm bổng... được các nghệ nhân trình tấu ngẫu hứng, lôi cuốn người nghe.
“Tuổi cao mệt mỏi nhiều rồi, nhưng cái chân mình vẫn muốn đi, thấy sướng cái bụng khi được hát Hơmon trong Ngày hội, kể cho con cháu nghe những câu chuyện cổ tích gắn với núi rừng, hướng về những cái hay, cái đẹp”Nghệ nhân ĐINH BOK HAY bộc bạch
|
Sau khi “thả hồn” trong tiếng đàn t’rưng góp phần đem đến thành công cho các tiết mục hòa tấu nhạc cụ, dân ca, dân vũ của đoàn Vĩnh Thạnh, nghệ nhân Đinh Y Băng xuống dưới sân khấu say sưa theo dõi chương trình các đoàn khác. Ông chia sẻ: “Mình rất phấn khởi bởi các đoàn đã đem đến Ngày hội năm nay nhiều loại nhạc cụ đặc trưng, nghệ nhân nào cũng say sưa biểu diễn và các tiết mục đều hay và mới”.
Trong chương trình nghệ thuật truyền thống, đoàn nào cũng có những tiết mục dân ca đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương mình. Đoàn chủ nhà Hoài Ân biểu diễn nhiều tiết mục đa dạng: hát dân ca H’rê “Quê mình hôm nay” do nghệ nhân Đinh Thị Lâm trình bày, với nhạc đệm chiêng ba lá; nghệ nhân Đinh Thị Huệ hát dân ca Bana “Nhớ ơn Đảng - Bác Hồ” trong tiếng đệm của đàn goong và cồng chiêng. Đặc biệt, tiết mục hát Hơmon của nghệ nhân Đinh Bok Hay (87 tuổi) đã chinh phục người nghe qua chất giọng khỏe, ấm, truyền cảm, kỹ thuật thể hiện nguyên bản tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của thể loại “kể chuyện theo lối hát” này.
Trẻ - Đông và Vui
Để lại nhiều thiện cảm cho người xem, được nhắc đến rất nhiều là chương trình biểu diễn của đoàn huyện Tây Sơn, khi toàn bộ lực lượng diễn viên, nhạc công biểu diễn trong chương trình đều là các em học sinh đến từ xã Vĩnh An.
Các tiết mục hát, múa của các em nhỏ dù còn hạn chế, có thể ảnh hưởng đến thành tích khi tham gia thi, nhưng đây là sự mạnh dạn của huyện Tây Sơn trong việc động viên, tạo điều kiện cho lực lượng trẻ được giao lưu, biểu diễn, học hỏi. Qua đó, gầy dựng lực lượng tiếp nối bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Bana ở địa phương.
|
Múa cồng chiêng trong lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào Chăm H’roi (huyện Vân Canh, Bình Định)
|
Đinh Phích (14 tuổi), người dân tộc Bana ở làng Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tâm sự: “Được người lớn trong làng tập đánh cồng chiêng từ nhỏ, em cảm thấy thích thú mỗi khi được biểu diễn. Đây là lần thứ ba em được tham gia đoàn huyện về chung vui Ngày hội, có cơ hội xem, học hỏi để thêm tự tin khi biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình”.
So với những Ngày hội trước đây, số lượng diễn viên trẻ tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong Ngày hội năm nay đã tăng lên rất nhiều. Các gương mặt trẻ không chỉ làm nền, đi đông cho vui đội hình, mà thật sự giữ vai trò quan trọng, tích cực đóng góp.
Trong tiết mục hòa tấu nhạc cụ của đoàn Vĩnh Thạnh, cô gái trẻ Đinh Thị Hlat đã tự tin, nhuần nhuyễn phối hợp biểu diễn chung cùng nghệ nhân Đinh Y Băng trên cây đàn t’rưng, gây ấn tượng cho khán giả. Và điều đáng mừng, tại Ngày hội, có rất nhiều ví dụ như thế.
“Những gương mặt trẻ đầy hứng khởi, say mê của các đoàn thể hiện được sự chịu khó luyện tập kỹ thuật, nắm bắt được “phần hồn” âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Đinh Thị Hlat của đoàn Vĩnh Thạnh là một điển hình. Sự xuất hiện của nhân tố trẻ là điều đã được chờ đợi từ nhiều năm qua!”, nhạc sĩ Đào Minh Tâm, thành viên Ban giám khảo chương trình thi nghệ thuật truyền thống, phấn khởi nhận xét.
Nguồn: baobinhdinh.com.vn, ngày 3/4/2017