Chủ Nhật, 24/11/2024
Dấu ấn của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An

Cầu nối ý đảng, lòng dân

Ông Xồng Vả Tu ở bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) năm nay gần 60 tuổi nhưng đã có 20 năm làm trưởng bản, là người có uy tín được bà con yêu mến, tin tưởng. Ông cho hay, “bí quyết” để có được uy tín chính là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Trước khi tuyên truyền để bà con cùng thực hiện, bản thân mình và gia đình phải làm trước, thấy hiệu quả thiết thực bà con sẽ theo ngay. Ở bản Huồi Khả (xã Huồi Tụ) người dân cũng đặc biệt dành tình cảm kính trọng cho già làng Zầu Chồng Lầu, SN 1930, nguyên Chủ tịch UBND xã, đảng viên lão thành 50 tuổi đảng.


 Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) Vừ Vả Chống điều hành cuộc họp chi bộ

Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn là một đảng viên mẫu mực, quan tâm đến các phong trào, hoạt động của người dân trong bản, từ việc truyền thụ kinh nghiệm trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, chăm lo việc học hành cho con em, giữ gìn văn hóa truyền thống. Với những đóng góp của mình, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Hà Thị Cương - chuyên viên MTTQ huyện Kỳ Sơn cho hay:  Trên địa bàn huyện hiện có 193 người có uy tín ở 193 khối, bản. Đây là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với bà con; là đội ngũ tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc; tham gia đóng góp nhiều ý kiến  xây dựng cấp ủy, chính quyền cơ sở, giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu.

Điển hình là ông Vừ Vả Chống - bản Trung tâm (xã Huồi Tụ) với mô hình kinh tế tổng hợp gồm vườn chè 3ha trải rộng trên các sườn đồi, đàn trâu 3 con, bò 15 con, hơn 5.000 cây pơ mu, sa mu, mỗi năm thu hoạch 2 - 3 tấn gừng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vừ Vả Chống Từng còn là bí thư chi bộ bản kiêm trưởng công an xã, từng được mời tham dự Hội nghị biểu dương Bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu toàn quốc .

Tại các địa phương khác, người có uy tín đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động nhân dân không di dịch cư tự do, không truyền đạo trái pháp luật, không tái trồng cây thuốc phiện, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong ma chay cưới hỏi, mê tín dị đoan, hóa giải mâu thuẫn trong nội bộ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa tập tục và luật pháp nhà nước, gương mẫu thực hiện tốt phong trào già làng, người có uy tín làm nhiều việc tốt.

Điển hình như ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương) có ông Vi Tuyền Quynh -  Chi bộ bản Tân Lập với bề dày 50 tuổi đảng. Ông được người dân vùng tái định cư nể phục không chỉ bởi sự gương mẫu, mà còn bởi khả năng làm kinh tế giỏi với trang trại  rộng 1,2 ha, trong đó có vườn chè 1,8 sào, ô tô chở chè, máy cày cho người dân thuê và khu vực dành riêng cho chăn nuôi…

Hay ông Lương Văn Đào (dân tộc Thái) - người uy tín, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ở bản Kim Chương năm nay đã gần 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng vẫn nhiệt tình với công việc thôn xóm, tham gia sinh hoạt đảng thường xuyên và luôn ủng hộ, động viên con cháu phấn đấu để được kết nạp đảng. Gia đình ông có 3 thế hệ (4 con trai, 2 con dâu và 4 cháu nội, ngoại và 2 con rể) đều là đảng viên... 

Trên địa bàn Nghệ An hiện có 1.334 người có uy tín, trong đó nam chiếm 94,9%, nữ chiếm 5,1% gồm các dân tộc: Thái, Khơ mú, Mông, Thổ, Ơ đu, Nùng, Kinh, Hoa. Trong đó 73 người phạm vi cấp tỉnh, 4 người ở phạm vi cấp Trung ương.

Thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ

Ông Trần Nhật Phương - Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả tốt.


 Già làng Zầu Chồng Lầu (thứ hai trái sang) người uy tín của bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn)
trao đổi với bà con dân bản

Riêng năm 2016, ngoài tiếp tục thực hiện các chính sách lớn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số như, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 và một số chính sách khác bằng nhiều hình thức phong phú.

Ví dụ thực hiện cấp báo cho người có uy tín, tổ chức thăm tặng quà Tết, thăm hỏi ốm đau; tổ chức cho 35 người có uy tín đi tham quan học hỏi trong nước; mở 8 lớp phổ biến cung cấp thông tin cho 328 người có uy tín, tham mưu cho tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt lãnh đạo người dân tộc thiểu số nghỉ hưu; hội nghị gặp mặt, biểu dương người uy tín trong phong trào làm nhiều việc tốt...

Tại các địa phương, xác định việc phát huy vai trò của những người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là rất quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, việc thực hiện các chính sách cho đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được quan tâm, chăm lo.

Hàng năm, nhân các ngày lễ, Tết cấp ủy chính quyền địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín ở các thôn bản, có hình thức thăm hỏi, động viên kịp thời mỗi khi người có uy tín ốm đau, bệnh tật, gia đình gặp khó khăn; phối hợp, tổ chức cho người có uy tín trên địa bàn đi thăm quan, học tập các mô hình, cách làm hay, đặc biệt đi học tập các mô hình trên lĩnh vực kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Như huyện Kỳ Sơn, năm 2014 tổ chức cho 22 lượt người; năm 2016 tổ chức cho 24 lượt có uy tín đi các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang)... Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền  các cấp cũng quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số.  

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 7 ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,85%. Cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số đang công tác ở khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có 12/429 người, chiếm 2,8%; khối chính quyền cấp tỉnh có 58/1.260 người, chiếm 4,6%.

Việc thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có uy tín và con em sẽ góp phần khuyến khích, động viên kịp thời tinh thần của bản thân họ và gia đình phát huy vai trò “hạt nhân”, trung tâm đoàn kết trong cộng đồng.

Tuy nhiên hiện nay, công tác phát huy vai trò người có uy tín vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự chú trọng đến vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; Tiêu chí đánh giá người có uy tín chưa thống nhất; việc phân cấp, phân công cán bộ quản lý, tranh thủ người có uy tín còn thiếu cụ thể, nên hiệu quả phát huy vai trò người có uy tín chưa cao...

Do vậy, để phát huy và nâng cao vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bên cạnh việc xây dựng và tiếp tục thực hiện những chính sách đãi ngộ đặc thù, các cấp, ngành, địa phương cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có thành tích tiêu biểu làm nòng cốt cho các phong trào; thường xuyên cung cấp thông tin thời sự, các chủ trương chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đời sống, sản xuất, quốc phòng - an ninh.. để nâng cao nhận thức một cách rộng rãi.

Đồng thời tạo điều kiện để người có uy tín được gia góp ý, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Từ đó  động viên họ tích cực tham gia vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, là điểm tựa tinh thần  tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.

Nguồn: baonghean.vn, ngày 6/2/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất