Phú Thọ có 34 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 21% dân số miền núi và chiếm 16% dân số toàn tỉnh; có 4 dân tộc: Mường, Dao, Cao Lan, Mông với trên 186.000 người cư trú tập trung thành làng, bản tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy và Đoan Hùng. Những năm qua, công tác dân tộc của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện các chính sách dân tộc và các chính sách khác trên địa bàn, cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi được đầu tư phục vụ đời sống và sản xuất của đồng bào; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm vùng dân tộc, miền núi bình quân 4-5%; triển khai tích cực công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác dạy nghề bước đầu gắn với giải quyết việc làm.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo dành cho con em đồng bào các dân tộc luôn được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 5 trường Phổ thông dân tộc nội trú.100% các xã, thị trấn miền núi có trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố, đầu tư, phát triển; phòng học từng bước được kiên cố hóa; các trường vùng khó khăn, vùng dân tộc và miền núi được ưu tiên đầu tư mua sắm, cấp đủ trang thiết bị, sách giáo khoa cho học sinh; học sinh các xã đặc biệt khó khăn còn được cấp giấy, vở miễn phí; đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp năm sau cao hơn năm trước, số trúng tuyển vào đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 54%; số học sinh dân tộc thiểu số theo học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề chiếm tỷ lệ 7%.
Hiện nay, tỉnh ta có 4.393 cán bộ, công chức, viên chức khối quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp Nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm, các chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai có hiệu quả.
Các hoạt động văn hóa thông tin được triển khai thực hiện với nội dung thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị ổn định, phát huy được thế mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, nhân dân các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.
Để làm tốt công tác dân tộc cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời phát huy tối đa nội lực của nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; tổ chức lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án trên địa bàn để đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức ở các cơ quan đơn vị từ tỉnh đến cơ sở cần nắm vững phương châm thực hiện công tác dân tộc đó là gần dân, nghe dân và học dân; đi sâu nghiên cứu tình hình, đặc điểm của vùng dân tộc, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc; động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của đất nước./.
Nguồn: baophutho.vn, ngày 24/1/2017