Thứ Sáu, 27/12/2024
Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An
 
Lãnh đạo huyện Con Cuông trao đổi với bà con làng nghề thổ cẩm xã Môn Sơn
về những giải pháp phát triển làng nghề trong thời gian tới. Nguồn: baonghean.vn 


Cấp ủy các cấp quan tâm quán triệt, triển khai, thực hiện, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về "Công tác dân tộc”, Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, Chỉ thị số 49-CT/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Công tác vận động quần chúng trước yêu cầu mới”; Kết luận số 10-KL/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS”…

HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, giám sát, tiếp xúc cử tri vùng đồng bào DTTS theo hướng dân chủ, cụ thể, thiết thực, được nhân dân đồng tình. UBND các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-CP (nay là Chỉ thị 16/CT-CP) của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận của chính quyền, trong đó tập trung làm chuyển biến nhận thức về công tác dân vận của chính quyền ở vùng đồng bào DTTS. Hàng năm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác dân tộc bằng chương trình hành động, các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, như: các đề án về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; về nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng tuyến biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An; về giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và vùng ven biển Nghệ An; quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức tăng cường về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; các chương trình hỗ trợ vay vốn sản xuất cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học phí, gạo, hỗ trợ học nghề cho học sinh DTTS; hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo…

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức. Tỷ lệ tập hợp thanh niên là 67,5%; phụ nữ 69,2%; nông dân 80%; công đoàn 100%; cựu chiến binh 97%. Các phong trào như xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, giỏi việc nước, đảm việc nhà, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, xung kích tình nguyện xây dựng quê hương, chung sức xây dựng nông thôn mới, ủng hộ quỹ vì người nghèo... được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả. Năm  2016 có 109 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ quỹ vì người nghèo được 17,4 tỷ đồng; đã hỗ trợ làm mới được hàng ngàn nhà “đại đoàn kết”, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ phương tiện sản xuất, thuốc chữa bệnh cho người nghèo để ổn định cuộc sống.

Công tác dân vận của Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Các đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức các tổ, đội công tác, đội xây dựng tăng cường cơ sở về các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới để bám sát địa bàn, gần gũi với nhân dân, nắm tình hình, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật... góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở miền núi, biên giới.

Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã khu vực miền núi với 252 xã, thị trấn miền núi; đồng bào các DTTS có 466.577 người, chiếm 15,36% dân số toàn tỉnh gồm 5 dân tộc có đông người: Thái 324.120 người; Thổ 65.144 người; Khơ Mú 41.426 người; Mông 32.465 người; Ơđu 856 người; các dân tộc còn lại có 2.566 người. 

Công tác phối hợp giữa các đơn vị lực lượng vũ trang với địa phương đạt được nhiều kết quả thiết thực. Toàn tỉnh đã có nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" về quốc phòng, an ninh như: “Đường biên giới bình an”, “Tổ, đội công tác cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con các DTTS”, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, phong trào ''Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc'', phong trào ''Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới''; Đề án về thực hiện mục tiêu ''3 yên, 3 giảm'', đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, chống tái trồng cây thuốc phiện, mua bán người, lừa đảo trong bán hàng đa cấp... Đồng thời, phối hợp củng cố được hàng trăm chi đoàn, chi hội, chi bộ yếu kém đi vào hoạt động hiệu quả.

Cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ người DTTS. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS, cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng; Kết luận số 10 - KL/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS... Nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 07 ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh là người DTTS, chiếm 9,85%. Cán bộ, công chức là người DTTS đang công tác ở khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có 12/429 người, chiếm 2,8%; khối chính quyền cấp tỉnh có 58/1.260 người, chiếm 4,6%.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vùng đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở vùng DTTS còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa tạo được khâu đột phá trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thường xuyên, liên tục, thiếu kịp thời, thiếu chiều sâu, hiệu quả chưa cao; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân chưa phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý của từng dân tộc, từng địa phương. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều cơ sở vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, chậm được đổi mới; sự phối hợp của các bộ phận làm công tác dân tộc của cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức, quan liêu, hách dịch, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều nơi; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa kịp thời. Công tác nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của nhân dân để động viên giúp đỡ nhân dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn chậm, thiếu chủ động đề xuất các giải pháp xử lý. Cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong việc tuyển dụng cán bộ, phát hiện nhân tố tích cực để đào tạo, bồi dưỡng, cân nhắc các vị trí lãnh đạo, quản lý là người DTTS. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm việc và giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành cấp tỉnh còn ít…

Để phát huy hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An trong thời gian tới, ngày 07/10/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU với các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Quy chế dân chủ cơ sở trên các loại hình.

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc. Triển khai thực hiện Kết luận 114-KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tổ chức tốt việc sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An. Triển khai thực hiện có hiệu quả 12 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển miền Tây Nghệ An.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện tốt các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Chủ động lựa chọn các vụ việc phức tạp, nổi cộm gây bức xúc trong nhân dân để giám sát.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả vấn đề truyền đạo trái pháp luật, tình trạng mua bán người, việc móc nối đưa người đi lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Năm là, xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận; đổi mới phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Chăm lo kiện toàn ban dân vận các cấp đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng theo quy định.

Sáu là, coi trọng công tác thi đua khen thưởng, kịp thời cổ vũ, động viên và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác dân vận, công tác Mặt trận và các đoàn thể với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Phan Thanh Đoài
 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi