|
Một buổi tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc ở các buôn làng tỉnh Gia Lai
tham gia phòng chống cháy rừng trong tháng cao điểm mùa khô |
Gia Lai là một tỉnh miền núi, toàn tỉnh có 17 huyện, thị, thành phố với 222 xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Là tỉnh tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 34 dân tộc anh em và hơn 1,289 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,5%. Do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên người dân ít có điều kiện tiếp thu những kiến thức về pháp luật, nhất là bà con vùng nông thôn và vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa; nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào DTTS chưa cao. Chính vì vậy việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con đồng bào vùng dân tộc thiểu số là việc làm hết sức cần thiết.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thực sự phát huy hiệu quả, đưa pháp luật đi vào cuộc sống người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng, trong những năm qua, các cấp, các ban, ngành tỉnh Gia Lai đã tích cực tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, đảm bảo mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh không ngừng được kiện toàn, củng cố, đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Ngoài tuyên truyền, phổ biến các bộ luật do các kỳ họp Quốc hội (khóa XIII) bổ sung, sửa đổi, ban hành mới; các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh; Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bổ sung, sửa đổi năm 2013); Báo Gia Lai, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh duy trì có hiệu quả chuyên mục “Dân hỏi - Cơ quan Nhà nước trả lời”- kịp thời giải đáp các kiến nghị, thắc mắc, những vấn đề nóng mà người dân quan tâm.
Một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả và được người dân quan tâm đó là hình thức sân khấu hóa thông qua các cuộc thi. Với nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Biên giới quốc gia; Luật Bảo vệ rừng; Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật an toàn giao thông đường bộ... đã thu hút được nhiều tầng lớp tham gia, đưa được nội dung pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số một cách nhanh nhất, sinh động và dễ hiểu.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn kết hợp tuyên truyền miệng với tư vấn, giải đáp pháp luật, trình chiếu các hình ảnh, tiểu phẩm, phát tờ rơi tại các cơ quan, trường học, các xã điểm…tuyên truyền pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm; công tác hòa giải, bạo lực gia đình…với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với từng địa bàn và đối tượng.
Việc đổi mới hình thức tuyên truyền này đã nhận được sự quan tâm hơn của đồng bào các dân tộc thiểu số vì đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với đời sống thường ngày, nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động tìm hiểu pháp luật. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không chỉ giúp chính quyền các cấp tại địa phương chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, mà còn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn. Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, giảm bớt tệ nạn xã hội, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và chưa thường xuyên, kịp thời. Cạnh đó, trình độ học vấn thấp cộng thêm đời sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều người dân chỉ quan tâm đến mưu sinh mà ít quan tâm đến pháp luật, gây khó khăn rất nhiều cho công tác tuyên truyền, phổ biến. Do đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đáng chú ý hơn là một số hành vi phạm pháp trước đây hầu như không có trong đồng bào DTTS thì nay bắt đầu xuất hiện như: vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, luật bảo vệ và phát triển rừng, gây rối trật tự…
Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai các hình thức tuyên truyền có hiệu quả, phải thực hiện thường xuyên, liên tục phù hợp với từng địa phương, đối tượng tuyên truyền; xác định đúng nội dung và đa dạng hóa hình thức.
Nội dung tuyên truyền cập nhật các văn bản luật, văn bản pháp quy mới ban hành, những nhiệm vụ trọng tâm của từng thời điểm đang nổi lên ở các địa bàn, những vấn đề bức xúc gắn với phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đơn vị. Hình thức tuyên truyền phong phú như: tuyên truyền miệng, tờ gấp, tủ sách pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, thông qua các phiên toà xét xử lưu động, các hội nghị phổ biến, sinh hoạt các câu câu lạc bộ, các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài bằng nhiều thứ tiếng và thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, già làng, người có uy tín trong cộng đồng… trực tiếp làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu qủa nhất./.
Nguồn: dangcongsan.vn/Ánh Hồng, 9/9/2016