Những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Điện Biên ngày càng được nâng lên. Con em đồng bào không chỉ được đi học, sau khi tốt nghiệp THPT, các em còn thi đỗ vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc. Được đi học nghề, học đại học là ước mơ lớn của các em học sinh người DTTS, nhưng nhiều em sau khi học ra trường đã không tìm được việc làm. Đây là thực trạng gây lãng phí nguồn nhân lực và gây khó khăn cho không ít gia đình có con em đi học.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc, những năm gần đây, hệ thống trường lớp và chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh ngày càng được cải thiện. Mỗi năm trên toàn tỉnh có hàng trăm học sinh DTTS thi đỗ vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc. Đây là cơ hội để các em có thể thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực để có thể học nghề, học đại học, không ít sinh viên người DTTS khi ra trường đã không tìm được việc làm. Việc sinh viên ra trường không có việc làm không chỉ gây khó khăn cho nhiều gia đình mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực.
|
Em Lò Thị Diên, bản Noong Nhai, xã Thanh Xương tốt nghiệp khoa Thể dục thể thao
của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên được 3 năm mà vẫn chưa xin được việc làm |
Sau khi tốt nghiệp THPT, em Quàng Thị Thu, bản Ten, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có nguyện vọng được học tiếp ngành nghề để có cơ hội việc làm tốt. Học xong khóa đào tạo hành chính văn phòng hệ trung cấp đã hơn 1 năm nay, nhưng đến thời điểm này em vẫn chưa có việc làm. Em cũng chưa biết có thể tìm thông tin việc làm ở đâu. Bằng cấp cất kín trong tủ, Thu vẫn đang ở nhà phụ giúp bố mẹ việc bếp núc. Với em cơ hội việc làm theo ngành nghề đã học còn đang rất mù mịt.
Riêng bản Ten xã Thanh Xương đã có tới 5 sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm. Cuộc sống, thu nhập của họ và gia đình phần lớn đều bấp bênh. Không ít người còn phải chịu tốn kém và lao tâm khổ tứ vì tin tưởng vào những đối tượng tự nhận là môi giới việc làm. Sinh ra lớn lên ở bản nghèo, sinh sống dựa vào đồng ruộng, mong muốn cho con cái đi học để thay đổi cuộc sống, bà Lò Thị Dinh động viên con trai thi tuyển vào hệ trung cấp của trường Đại học Nông nghiệp I. Lấy bằng trung cấp thú y, ra trường 5 năm nhưng vẫn chưa có việc làm, lại thiếu vốn xoay chuyển, bà Dinh đành để cậu con trai đi xa tìm việc trái ngành. Con dâu bà Dinh cũng học ngành giáo dục mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, nhưng đến nay cũng vẫn chưa tìm được việc. Mong muốn sớm tìm được công việc cho con trai, bà Dinh đã chấp nhận vay tiền ngân hàng đưa cho một đối tượng môi giới. Phải gánh lãi ngân hàng trong vòng 2 năm với mối lo bị lừa đảo mà vẫn không tìm được việc cho con, bà Dinh vô cùng mệt mỏi, thất vọng.
Không xác định được phương hướng cụ thể sau khi ra trường công việc của mình sẽ như thế nào, ngành nghề mình học có dễ tìm việc hay không, rất nhiều sinh viên là con em đồng bào DTTS ở tỉnh vẫn đang thất nghiệp sau khi đi học về.
Vốn yêu thể thao, từng đạt thành tích cao tại các Hội khỏe phù đổng toàn tỉnh và cả Hội khỏe toàn quốc, em Lò Thị Diên, bản Noong Nhai, xã Thanh Xương thi đỗ và vào học khoa Thể dục thể thao của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Với mong muốn cho con gái được tiếp tục theo đuổi đam mê và tìm được công việc ổn định, bố mẹ Diên quyết tâm cho con theo học mặc dù kinh tế gia đình khó khăn. Là người con duy nhất trong nhà được bố mẹ cho theo đuổi việc học hành Diên đã cố gắng hoàn thành tốt việc học. Em ra trường tháng 6/2013. Vốn năng động, sau khi ra trường Diên đã tự thân vận động tìm hiểu thông tin việc làm, tham gia các đợt thi tuyển viên chức do địa phương tổ chức, nhưng đến nay em vẫn chưa có được việc làm ổn định. 4 năm Diên học đại học, bố mẹ em đã phải vay vốn ngân hàng. Để trang trải khoản nợ lo việc học cho mình, suốt ba năm qua Diên phải lên thành phố xin bán hàng thuê. Tuy nhiên, công việc cũng rất bấp bênh, mới đây em đành ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, đợi cơ hội tìm một công việc khác. Diên và gia đình đều mong mỏi em sẽ tìm được việc làm phù hợp như sở nguyện.
Điện Biên là tỉnh miền núi có 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất manh mún, đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Để tạo động lực bứt phá về kinh tế - xã hội, một trong những biện pháp tỉnh đề ra và thực hiện trong những năm gần đây là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống trường lớp từ cấp mầm non đến THPT đã được cải tạo, nâng cấp. Các cơ sở đào tạo nghề cũng được mở mang. Chính sách hỗ trợ học tập cho con em đồng bào DTTS cũng được thực hiện ở khắp các xã, huyện trên toàn tỉnh. Những chính sách này đã khuyến khích đông đảo con em đồng bào DTTS đến trường cũng như đi học nghề, tìm cơ hội vươn lên. Tuy nhiên, có không ít học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm.
|
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.906 lao động thất nghiệp, trong đó trên 90% là lao động đã qua đào tạo,
có trình độ từ trung cấp trở lên và khoảng 80% số này là con em đồng bào DTTS trên địa bàn |
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hộ tỉnh Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh có 1.906 lao động thất nghiệp, trong đó trên 90% là lao động đã qua đào tạo, có trình độ từ trung cấp trở lên và khoảng 80% số này là con em đồng bào DTTS trên địa bàn. Mỗi năm toàn tỉnh sẽ có thêm hàng trăm em học sinh thi đỗ vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Số sinh viên ra trường cần việc làm ngày càng đông. Vậy là việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên DTTS, đã thực sự trở thành bài toán khó tìm ra lời giải.
Trong khi tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích con em đồng bào DTTS học tập, nhằm tạo động lực phát triển và giảm dần khoảng cách giữa các dân tộc, thì tình trạng sinh viên thất nghiệp ngày càng nhiều, đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động con em đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa đến trường. Mặt khác, số lượng không ít sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp, cao đẳng, vẫn chưa có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, cũng đang gây lãng phí nguồn nhân lực của tỉnh. Kịp thời ban hành chính sách ưu tiên trong xét tuyển, tuyển dụng người DTTS làm công chức, viên chức, là biện pháp cần thiết giúp giải quyết tình trạng sinh viên người DTTS thất nghiệp trên toàn tỉnh. Đây cũng là giải pháp giúp từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Nguồn: dienbientv.vn, ngày 30/8/2016